Phòng chống mua bán người

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI

(Trích Luật Phòng chống mua bán người, số: 66/2011/QH12, ngày 29 tháng 03 năm 2011)

 

Điều 3. Các hành vi bị nghiêm cấm

  1. Mua bán người theo quy định tại Điều 119 và Điều 120 của Bộ luật hình sự.
  2. Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
  3. Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác hoặc để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
  4. Cưỡng bức người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
  5. Môi giới để người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
  6. Trả thù, đe dọa trả thù nạn nhân, người làm chứng, người tố giác, người tố cáo, người thân thích của họ hoặc người ngăn chặn hành vi quy định tại Điều này.
  7. Lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi, thực hiện các hành vi trái pháp luật.
  8. Cản trở việc tố giác, tố cáo, khai báo và xử lý hành vi quy định tại Điều này.
  9. Kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân.
  10. Tiết lộ thông tin về nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân.
  11. Giả mạo là nạn nhân.
  12. Hành vi khác vi phạm các quy định của Luật này.

Điều 4. Nguyên tắc phòng, chống mua bán người

  1. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này.
  2. Giải cứu, bảo vệ, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân kịp thời, chính xác. Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân.
  3. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người.
  4. Ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này.
  5. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và pháp luật, tập quán quốc tế.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người

  1. Phòng, chống mua bán người là nội dung của chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và được kết hợp với việc thực hiện các chương trình khác về phát triển kinh tế – xã hội.
  2. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân; khuyến khích cá nhân, tổ chức trong nước thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.
  3. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống mua bán người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản theo quy định của pháp luật.
  4. Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người.

Điều 7. Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người

  1. Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng trong phòng, chống mua bán người; đề cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng, chống mua bán người.
  2. Nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục bao gồm:
  3. a) Chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người;
  4. b) Thủ đoạn và tác hại của các hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này;
  5. c) Kỹ năng ứng xử trong trường hợp có nghi ngờ về việc mua bán người;
  6. d) Biện pháp, kinh nghiệm phòng, chống mua bán người;

đ) Trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người;

  1. e) Chống kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân;
  2. g) Các nội dung khác có liên quan đến phòng, chống mua bán người.
  3. Việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục được thực hiện bằng các hình thức sau đây:
  4. a) Gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp;
  5. b) Cung cấp tài liệu;
  6. c) Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng;
  7. d) Thông qua hoạt động tại các cơ sở giáo dục;

đ) Thông qua hoạt động văn học, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng và các loại hình văn hóa khác;

  1. e) Các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.
  2. Xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên ở cơ sở; huy động sự tham gia tích cực của các đoàn thể xã hội.
  3. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cần được tăng cường đối với phụ nữ, thanh niên, thiến niên, nhi đồng, học sinh, sinh viên và những người cư trú tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và những địa bàn xảy ra nhiều vụ việc mua bán người.

Điều 14. Nhà trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo tham gia phòng ngừa mua bán người

  1. Quản lý chặt chẽ việc học tập và các hoạt động khác của học sinh, sinh viên, học viên.
  2. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ngoại khóa về phòng, chống mua bán người phù hợp với từng cấp học, ngành học.
  3. Tạo điều kiện thuận lợi để học sinh, sinh viên, học viên là nạn nhân học văn hóa, học nghề, hòa nhập cộng đồng.
  4. Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống mua bán người.

Điều 49. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo 

  1. Chỉ đạo việc lồng ghép kiến thức phòng, chống mua bán người vào chương trình học tập ngoại khóa phù hợp với yêu cầu của từng cấp học, ngành học, việc tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người cho học sinh, sinh viên, học viên.
  2. Chỉ đạo nhà trường và các cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 14 của Luật này.
  3. Quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc đưa người đi học tập ở nước ngoài nhằm phòng, chống việc lợi dụng hoạt động này để mua bán người.