GIỚI THIỆU SÁCH “NGƯỜI MỸ DA ĐEN TRONG BẢN ĐỒ VĂN HỌC MỸ”

     Cho đến hôm nay, vấn đề sắc tộc vẫn là vấn đề thời sự, không chỉ ở nước Mỹ, mà còn ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia đa chủng tộc. trải qua mấy trăm năm từ khi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được thành lập (năm 1776) đến nay, đất nước đa chủng tộc này đã tiến những bước dài về phía tự do, dân chủ, xóa bỏ chế độ phân biệt màu da, nhất là đối với người da đen đến từ lục địa châu Phi, song các hệ quả dai dẳng của nó vẫn luôn căng thẳng và bùng phát. Nếu các chủng tộc khác đến Mỹ là để thực hiện giấc mơ về sự giàu sang và công bằng thì người da đen bị lưu đày đến đây với tư cách là nô lệ. Dù được khắc họa hay tự thuật, người Mỹ da đen luôn hiện diện khác biệt và bị đối xử bất công, ngay trong cộng đồng luôn tôn vinh sự bình đẳng này. Với ý nghĩa đó, thư viện trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt xin trân trọng giới thiệu tới Quý bạn đọc tác phẩm: Người Mỹ da đen trong bản đồ văn học Mỹ của tác giả Nguyễn Thị Tuyết do NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh phát hành năm 2023, với độ dày 279 trang và in trên khổ giấy 15 x 23 cm.

     “Lịch sử của người da đen trên đất Mỹ thật đau đớn và tủi nhục nhưng lịch sử ấy cũng chứng tỏ người da đen là một chủng tộc có ý thức mạnh mẽ, có sức sống dẻo dai và hơn thế, có tâm hồn và bản sắc riêng không dễ trộn lẫn hay bị hủy diệt. Người da đen đã cùng với người da trắng và các chủng tộc khác kiến tạo nên bản sắc Mỹ, văn hóa Mỹ. Những nỗ lực của họ trong suốt tiến trình lịch sử đã trao truyền cho loài người niềm tin tưởng mãnh liệt vào đạo đức, công lý và lương tri.

     Từ giữa thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX, hình ảnh người Mỹ da đen trong văn học nghệ thuật đã từng bước thay đổi như chính thân phận của họ trên đất Mỹ: từ kiếp nô lệ bị xem như một thứ đồ vật, một dạng công cụ bị chủ nô tùy ý sử dụng (Túp lều bác Tom, H.Beecher-Stowe) và một kiểu tôi tớ phi bản sắc, bị người da trắng tô vẽ (Cuốn theo chiều gió, Margaret Mitchell) đã trở thành Con người tự ý thức về bản sắc cá nhân, về cội nguồn văn hóa và tự đấu tranh để giành quyền làm người, bình đẳng trước pháp luật cũng như trong mọi hoạt động của đời sống (Bài ca Solomon, Toni Morrison).” – Trích nội dung sách Người Mỹ da đen trong bản đồ văn học Mỹ

     Sau gần ba thế kỷ nô lệ, người Mỹ da đen đã tìm thấy bản sắc của chính mình trong ý nghĩa cao quý: Con Người. Từ đó tới nay, quá trình hòa giải và hòa huyết liên tục diễn ra, song sự bất bình đẳng về chủng tộc vẫn cứ hiện diện không chỉ với ý nghĩa là ám ảnh từ quá khứ, mà còn như một định mệnh đối với người da màu trong tư tưởng của không ít người da trắng. Tác giả đã chỉ ra cách nhìn/ quan điểm khác nhau của các nữ văn sĩ Mỹ tiêu biểu về vấn đề người Mỹ da đen, đồng thời cũng từ đó, hình ảnh người da đen hiện lên trong tác phẩm như là hình ảnh biểu tượng cho thân phận và bản sắc của họ trong suốt dòng chảy của thời gian.

     Tác phẩm Người Mỹ da đen trong bản đồ văn học Mỹ chỉ ra vấn đề người Mỹ da đen, qua những hình tượng, biểu tượng trong tác phẩm thoát thai từ thế giới tâm thức của nhà văn như âm bản và nó lộ diện/ phản chiếu như thế nào trong tâm thức của bạn đọc dưới ánh sáng của thời hiện đại.

     Mục đích của tác phẩm là chỉ ra hình ảnh, thân phận người da đen trong cảm quan nghệ thuật của Harriet Beecher-Stowe, Margaret Mitchell và Toni Morrison gắn với những tác phẩm tiêu biểu của họ. Đây là yếu tố cốt lõi cho thấy thế giới ý thức lẫn vô thức trong tư tưởng của mỗi nhà văn, hiện diện trong bề sâu văn bản nghệ thuật. Từ đó, tác phẩm vừa chỉ ra sự vận động của hình ảnh người da đen trong lịch sử văn học Mỹ, vừa nêu bật sự khác biệt trong tư tưởng nghệ thuật của mỗi nhà văn gắn với thời đại.

     Phân biệt chủng tộc là một vấn nạn trong lịch sử loài người, và những tàn dư, định kiến ấy vẫn còn tiếp diễn trong đời sống hôm nay, đặc biệt là ở một số quốc gia đa chủng tộc như Hoa Kỳ, nó trở thành một nỗi ám ảnh khủng khiếp. Viết về người da đen, hầu hết các tác phẩm đều đề cập đến vấn đề phân biệt chủng tộc, tuy nhiên thái độ của nhà văn và cơ sở tư tưởng của thái độ ấy ở mỗi tác phẩm là khác nhau. Túp lều bác Tom thường được xem là một tác phẩm mang tư tưởng bãi nô, trong khi điểm yếu của Cuốn theo chiều gió lại là bảo vệ chế độ nô lệ, tiểu thuyết của Toni Morrison và Bài ca Solomon nói riêng là nỗ lực loại bỏ dấu vết của chế độ ấy trên thân xác và trong tâm trí người da đen.

     Tác phẩm phân tích hình ảnh người Mỹ da đen trong văn học Mỹ từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX từ góc nhìn bên trong của chính người da đen và góc nhìn bên ngoài của người da trắng. Tác giả phân tích từ ba tác giả nổi tiếng viết về người da đen, bao gồm Harriet Beecher-Stowe, Margaret Mitchell và Toni Morrison. Bên cạnh đó, tác giả cũng nhấn mạnh tình huống thời đại và môi trường văn hóa mà các tác giả và nhân vật trong tác phẩm sống và hoạt động. Tác giả thảo luận về phương pháp phục dựng lại hành trình hiện diện của người da đen trong văn học Mỹ và lý giải các tác phẩm trong bối cảnh thời đại của chúng. Tác giả cũng nhấn mạnh rằng công việc của người nghiên cứu phải trả tác phẩm trở về đúng tinh thần của thời đại đó.

     Tác phẩm gồm 6 chương:

     Chương 1: Sự hiện diện của người da đen trên đất Mỹ

     Chương 2: Đa cực và đa điểm nhìn

     Chương 3: Những đường biên chủng tộc

     Chương 4: Những tọa độ thân phận

     Chương 5: Những biến thiên thời tính

     Chương 6: Những chuyển động của vấn đề chủng tộc ở nước Mỹ trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI

     Công trình này sẽ phác thảo hình ảnh người da đen trong văn học Mỹ từ ngày đầu lập quốc đến hết thế kỷ XX từ điểm nhìn tự bên trong của chính người da đen, và điểm nhìn bên ngoài của người da trắng. Nội dung trọng tâm của chuyến luận sẽ đi vào tìm hiểu vấn đề người da đen từ cảm quan nghệ thuật của ba nữ nhà văn nổi tiếng với các tác phẩm viết về người da đen tiêu biểu nhất, trở thành những hiện tượng văn học nổi bật không chỉ của thời đại mà nó ra đời: Túp lều bác Tom (Uncle Toms Cabin, 1852) của Harriet Beecher- Stowe, Cuốn theo chiều gió (Gone with the Wind, 1936) của Margaret Mitchell và tiểu thuyết của Toni Morrison trong đó trọng tâm là Bài ca Solomon (Song of Solomon, 1977). Ba nhà văn này không chỉ thuộc về những sắc tộc và thời đại khác nhau mà họ còn sống trong những môi trường văn hóa khác nhau, có thể mang tính chất đại diện cho những vùng văn hóa khác nhau của nước Mỹ. Vì vậy, quan điểm của họ có thể xem là tiếng nói đại diện của người da đen trong suốt chiều dài hơn 400 năm lịch sử, trong chiều rộng không gian và chiều sâu văn hóa. Đây là điểm cốt lõi để có thể khảo sát người da đen trong bản đồ văn học, bản đồ văn hóa Mỹ.

     Trải qua thời gian, các quan niệm, các hệ giá trị đều có thể thay đổi; từ quan điểm hôm nay để đánh giá lại các hiện tượng văn học, văn hóa trong quá khứ cũng chỉ là một cách nhìn và cũng có thể bị tương lai phủ nhận. Trong nỗ lực phục dựng lại hành trình hiện diện của người da đen trong văn học Mỹ, tác phẩm cố gắng lý giải các tác giả, tác phẩm hoặc quá trình tâm lý của nhân vật trong bối cảnh thời đại mà tác giả, tác phẩm hay nhân vật thuộc về. Có những giá trị thuộc về một thời, cũng có những hiện tượng bất tử và văn chương nói riêng, nghệ thuật nói chung có thể bất tử hóa giá trị một thời, những công việc của người nghiên cứu phải trả tác phẩm trở về đúng tinh thần của thời đại đó.

     Cuốn sách Người Mỹ da đen trong bản đồ văn học Mỹ của tác giả Nguyễn Thị Tuyết là một nỗ lực đáng kể để phản ánh hình ảnh người da đen trong văn học Mỹ từ thời đầu lập quốc đến thế kỷ XX với hai góc nhìn là của người da trắng và người da đen. Tác giả đã chọn những tác phẩm tiêu biểu nhất của ba nhà văn nổi tiếng về người da đen là Harriet Beecher-Stowe, Margaret Mitchell và Toni Morrison để phân tích và giải thích. Với phương pháp nghiên cứu phù hợp, tác giả không chỉ lời giải các tác phẩm mà còn đi sâu vào tâm lý nhân vật và xác định giá trị văn hóa của các tác phẩm này. Cuốn sách có giá trị lịch sử cao, góp phần phản ánh ngày càng chân thật hình ảnh người Mỹ da đen trong tất cả các lĩnh vực trong xã hội. Ngoài mối liên hệ gắn bó với thực tiễn xã hội liên quan đến người da đen và vấn đề phân biệt màu da ở Hoa Kỳ, tác phẩm đã gợi dẫn một cách thức nghiên cứu văn học trên nền tảng tương tác giữa cảm quan sáng tạo của người nghệ sĩ với cảm quan tiếp nhận của bạn đọc đương đại. Đồng thời, tác phẩm còn là một tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, sinh viên những lĩnh vực tương tự, cho những ai say mê nghiên cứu người da đen trong văn học Mỹ, cụ thể là trong tác phẩm của Beecher-Stowe, Margaret Mitchell và Toni Morrison.

     Ký hiệu phân loại: 8(N71)\NG558m

     Số ĐKCB: STKVH00046; STKVH00047; STKVH00048

     Sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện nhà trường. Xin kính mời Quý thầy cô giáo và các em học sinh cùng đón đọc!

Thư viện trường THPT Chuyên Thăng Long _ Đà Lạt