Hằng năm, cứ đến ngày 15 tháng 8 Âm lịch, khắp nơi trên đất nước tưng bừng chào đón tết Trung thu. Đây không chỉ là dịp để trẻ em có thể rước đèn vui hội trăng rằm mà còn là thời gian để các thành viên trong gia đình cùng sum họp, gắn kết tình cảm với nhau. Bởi vậy, tết Trung thu – ngày tết đoàn viên là một nét văn hóa cổ truyền có ý nghĩa cao đẹp của người Việt Nam.
Nhân dịp rằm tháng Tám, ngày 27/09/2015 (15/08 ÂL), Câu lạc bộ Văn học của trường THPT Chuyên Thăng Long đã tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề “Tuổi trẻ với Văn hóa dân gian” cho học sinh khối chuyên Văn với mong muốn tạo một sân chơi bổ ích, giúp học sinh tìm hiểu, củng cố vốn hiểu biết về ngày tết Trung thu cũng như về văn hóa, văn học dân gian. Từ đó các em có thêm niềm yêu thích, tự hào về truyền thống của dân tộc, có ý thức giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống. Đồng thời, buổi sinh hoạt ngoại khóa còn tạo điều kiện cho học sinh phát huy tính sáng tạo, sự năng động, khả năng làm việc nhóm, khả năng hợp tác. Không chỉ vậy, các em học sinh có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau, tăng thêm sự đoàn kết trong khối chuyên.
Mở đầu cho buổi ngoại khóa là các tiết mục văn nghệ của học sinh các lớp Văn. Nếu như các em lớp 12 Văn đem đến bài hát vui tươi, rộn ràng “Tết suối hồng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, các em 10 Văn mang lại làn gió trẻ trung, hồn nhiên với ca khúc “Ánh trăng tuổi thơ” thì lớp 11 Văn gửi đến vở kịch “Khi Hằng Nga mất tích”. Trong đó, người xem được gặp lại những nhân vật thú vị: Thỏ Ngọc, chú Cuội, Hằng Nga, Ngọc Hoàng, Vương Mẫu cùng những câu chuyện cổ tích gắn liền với họ. Vở kịch đã làm nổi bật lên một Hằng Nga dịu dàng, khéo léo, nhân hậu không ai có thể thay thế, luôn dành sự quan tâm đến niềm vui của trẻ em, đặc biệt là những đứa trẻ bất hạnh, nghèo khó. Có thể nói, tiết mục kịch đã tạo nên không khí vui vẻ, tràn ngập những tiếng cười và cũng đầy ý nghĩa nhân văn: gửi gắm tình yêu thương, sự quan tâm giữa con người với con người.
(Tiết mục hát “Tết suối hồng” – 12 Văn)
Phần tiếp theo của buổi sinh hoạt là cuộc thi kiến thức giữa 3 đội, mỗi đội thi gồm 6 thành viên trong đó có 2 thành viên lớp 10, 2 thành viên lớp 11 và 2 thành viên lớp 12. Cuộc thi đã diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn và gây cấn. Kết thúc phần thi, các đội thi cũng như khán giả có thêm những hiểu biết thú vị về vốn văn hóa, văn học dân gian của dân tộc.
(Phần thi kiến thức Văn hóa, văn học dân gian)
Phần thứ ba trong buổi ngoại khóa là phần Trò chơi dân gian: kéo co, nhảy dây. Các em khối chuyên Văn không chỉ chứng tỏ tài năng về văn nghê, năng lực kiến thức mà còn là khả năng tổ chức trò chơi, sức lực dẻo dai của mình. Điều đó cho thấy thế hệ trẻ ngày nay đã, đang và sẽ không ngừng học tập, rèn luyện để hoàn thiện bản thân, hội tụ đủ các phẩm chất cần có: Văn – Thể – Mĩ.
Cuối buổi ngoại khóa, toàn thể các em khối chuyên Văn cùng nhau vui vẻ, nhiệt tình tham gia Phá cỗ đêm trung thu – một sinh hoạt truyền thống không thể thiếu trong ngày hội trăng rằm. Buổi ngoại khóa đã khép lại nhưng nó lại mở ra những niềm vui, sự ấm áp, tình đoàn kết cho các em học sinh khối Chuyên Văn, trở thành một kỉ niệm không thể quên trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường của các em.
(Học sinh và các thầy cô chủ nhiệm khối Chuyên Văn)