Bài học

1185

Tôi vội ngồi vào máy để viết ngay khi vừa trở về nhà từ buổi ngoại khóa của trường. Buổi ngoại khóa thật sự không có ấn tượng đặc biệt gì đối với tôi, nếu như không xảy ra một việc làm tôi ngỡ ngàng…

Ngoại khóa về “Học sinh Chuyên Thăng Long với văn hóa giao thông”, hội trường B chỉ dành cho học sinh khối 10. Các em còn bỡ ngỡ với trường lớp mới và thời gian chuẩn bị không đủ nhiều nên nói chung thuyết trình không mấy thuyết phục. Bài dự thi cuối cùng là của 10Hóa1, vì đến trễ nên dời lại sau. Sau khi MC giới thiệu và mời thí sinh, tiếng vỗ tay cổ vũ của một nhóm học sinh (có lẽ là tập thể 10Hóa1) vang cả hội trường, như chào đón một nhân vật nổi tiếng. Nhưng… bước lên sân khấu là một nam sinh trong dáng vẻ liêu xiêu. Bộ cánh ghi-lê Jean rất bụi rõ ràng là chẳng ăn nhập gì với gương mặt tái nhợt, ánh mắt thất thần và giọng nói hụt hơi liên tiếp đến nỗi phải dừng lại mấy lần. Cuối cùng thì thí sinh ấy cũng thực hiện xong bài dự thi của mình và chờ nghe nhận xét của Ban giám khảo (là 10 học sinh đại diện cho 10 lớp trong khối).

Một nữ sinh đại diện Ban giám khảo cất lời “Bạn đến trễ, và bộ trang phục của bạn cũng không ổn. Bạn nói không rõ ràng, nhiều lúc còn không thuộc bài…” Nếu như ai đó nhìn thấy em học sinh dự thi ấy trên sân khấu lúc này đây hẳn đều nghĩ “Không được thì cố làm gì cho khổ!” hoặc chép miệng “Tội nghiệp!”. Phải, tội nghiệp thật, em ấy đứng rũ vai, đổ người về một bên, mặt trắng bệch, đôi chân liêu xiêu như không thể đứng nổi nữa. Và rồi… một nam sinh trong hàng ghế giám khảo đứng lên, cất giọng ôn tồn “Bạn run lắm phải không?” “Phải, mình rất run” – thí sinh ngượng nghịu. “Từ nơi này mình có thể nghe thấy hơi thở của bạn, và cảm nhận được rằng bạn run đến thế nào khi nhìn dáng đứng của bạn. Nhưng bạn hãy đứng thẳng lên! Bạn không có gì phải run cả, trang phục của bạn rất đẹp, và bạn đã rất cố gắng để dự thi tốt nhất có thể! Bạn hãy tự tin vượt qua những cuộc thi khác nữa trong tương lai. Bạn hãy tự hào vì hôm nay bạn là thí sinh duy nhất có được một lực lượng cổ vũ hùng hậu như vậy.”.

Và điều kỳ diệu đã đến, thí sinh như trút bỏ được gánh nặng, vươn thẳng đôi vai và nở nụ cười thật tươi trên gương mặt đang bừng sáng, bước rời sân khấu trong tiếng vỗ tay của hội trường.

Tôi chỉ hơi ngạc nhiên vì lời nhận xét quá thật đến chạnh lòng của em nữ sinh giám khảo, tôi hiểu cảm giác của người nghe, và cảm thông với  những lời bộc phát từ suy nghĩ non nớt của tuổi trẻ. Nhưng tôi thật sự xúc động về em nam sinh giám khảo ấy. Làm sao một thiếu niên mười lăm tuổi có thể nói nên được những lời ấy? Đó phải là người có một tấm lòng trắc ẩn sâu xa biết bao, để biết cảm thông sâu sắc với nổi thống khổ của người khác, và khích lệ tinh thần của người ta. Đó là điều kỳ diệu thứ nhất.

Điều kỳ diệu thứ hai, em ấy không biết được là đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi, một cô giáo nhưng lúc này đây đang là một học trò, nhận từ em bài học làm người. Em đã đưa tôi từ ý nghĩ thoáng qua, thương cảm cho một thí sinh thiếu năng lực, đến niềm thán phục một học sinh biết vượt qua chính mình để hoàn thành trách nhiệm với tập thể.

Tôi vẫn xem lòng trắc ẩn là một trong những đức tính cần được nuôi dưỡng, đặt mình vào người để cảm thông cho người. Nhưng đâu đó trong tôi, đôi lúc chỉ kịp đánh giá ai đó qua những gì họ thể hiện. Cuộc sống cuốn trôi rất nhanh mọi điều, chúng ta cũng thường phải đi rất nhanh để bắt nhịp cùng. Có lẽ, đôi khi cần chậm lại để cảm nhận thêm những điều bình dị đáng trân trọng từ cuộc sống.

                                                                                  Thứ Bảy, 10/09/2011.

                                                                                          Ngô Thị Thanh Quỳnh

                                                                                            Giáo viên Sinh học.