Du lịch trải nghiệm sáng tạo của khối chuyên Hóa trường THPT Chuyên Thăng Long năm học 2018-2019

1992

Căn cứ vào kế hoạch năm học trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt.

Căn cứ vào kế hoạch năm học và kế hoạch thực hiện hoạt động trải nghiệm sáng tạo của Tổ Hóa Học trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt.

Được sự đồng ý của lãnh đạo Sở Giáo dục Đào tạo Lâm Đồng và Ban Giám hiệu trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt, Tổ Hóa học đã tổ chức cho học sinh Chuyên Hóa Học trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt tham dự hoạt động trải nghiệm sáng tạo năm học 2018-2019 vào 02 ngày – Thứ Bảy ngày 02-03-2019 đến Chủ Nhật 03-03-2019 tại Phan Rang – Ninh Thuận.

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích:

Hoạt động ngoại khóa là một bộ phận của quá trình giáo dục ở nhà trường Trung học phổ thông. Đó là những hoạt động giáo dục được tổ chức ngoài giờ học của các môn văn hóa ở trên lớp, là sự tiếp nối, bổ sung, hỗ trợ hoạt động dạy học trên lớp, là con đường gắn lí thuyết thực tiễn, tạo nên sự thống nhất giữa nhận thức và hành động, góp phần hình thành tình cảm, niềm tin đúng đắn ở học sinh.

Hoạt động ngoại khóa là các hoạt động nằm ngoài chương trình học chính khóa và là sân chơi của học sinh. Giúp học sinh rèn luyện kỹ năng, tạo tính sáng tạo trẻ, học sinh tham gia học tập và tạo tinh thần đoàn kết trong học đường, qua đó góp phần xây dựng “trường học thân thiện và học sinh tích cực”.

2. Yêu cầu:

Một số hoạt động học sinh cần thể hiện được trong suốt quá trình tham gia ngoại khoá như: Hoạt động rèn luyện kĩ năng sống; hoạt động sáng tạo trẻ; hoạt động sự kiện; hoạt động phong trào và đặc biệt là được rèn luyện thêm khả năng quan sát, tìm tòi và giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống có liên quan đến bộ môn Hóa Học.

Các lớp trong khối Hóa học của nhà trường tham gia hưởng hứng các hoạt động ngoại khoá.

II. Nội dung hoạt động:

– Tìm hiểu qui trình sản xuất gốm sứ (công nghệ silicat) thông qua việc tiếp xúc thực tiễn tại Làng gốm Bàu Trúc tìm hiểu nghệ thuật làm gốm bằng tay độc đáo, duy nhất tại Việt Nam.

– Tìm hiểu qui trình sử dụng và cách xử lý thuốc nhuộm trong quá trình nhuộm màu vải tại Làng dệt Mỹ Nghiệp…

III. Tổ chức thực hiện:

– Thời gian: 2 ngày 1 đêm.

– Thứ Bảy ngày 02-03-2019 đến Chủ Nhật 03-03-2019 tại Phan Rang – Ninh Thuận.

Nội dung hoạt động trải nghiệm sáng tạo:

+ Ngày 1: xuất phát từ Đà Lạt, đi đến Ninh Thuận, nghỉ trưa, chiều tham quan Làng dệt Mỹ Nghiệp…sinh hoạt tập thể, nghỉ ngơi.

+ Ngày 2: Tham quan, học tập trải nghiệm tại Làng gốm Bàu Trúc tìm hiểu nghệ thuật làm gốm…. 16h00 cùng ngày về Đà Lạt.

Thành phần tham gia :

Số lượng: 118 người.

  • Giáo viên: 8 giáo viên Tổ Hóa học.

– Học sinh: 104 học sinh thuộc 3 lớp 10,11,12 Hóa.

– Đại diện Phụ huynh học sinh mỗi lớp 2 phụ huynh.

IV. Một số hình ảnh và kết quả của hành trình hoạt động trải nghiệm:

IV.1. KIẾN THỨC CHUYÊN MÔN

1. Tìm hiểu chung về làng gốm Bàu Trúc

– Nằm cách thành phố Phan Rang khoảng 10km về phía Nam, ngay trên đường quốc lộ 1A, làng gốm Bàu Trúc là địa giới thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. 


Bản đồ di chuyển đến làng gốm Chăm Bàu Trúc từ Quảng trường thành phố Phan Rang

– Là làng nghề cổ xưa đã tồn tại và phát triển hơn 7 thế kỷ từ khi ông bà PôKlông Chang đưa người Chăm từ trên vùng đồi núi về đồng bằng sinh sống. Đặc biệt, đây là nơi lưu giữ nhiều nét đặc sắc hiếm có trong nghệ thuật làm gốm của người Chămpa xưa. Chính vì thế mà làng đã trở thành làng nghề cổ nhất Đông Nam Á nổi tiếng với những sản phẩm gốm thủ công tuyệt hảo.

2. Độc đáo gốm người xoay

– ” Không có bất kì một sản phẩm nào giống nhau ” đó là lời nói mà chú hướng dẫn viên đã giới thiệu với chúng mình về gốm Bàu Trúc

Gốm Bàu Trúc của người Chăm tại Phan Rang – Ninh Thuận không dùng bàn xoay để tạo hình mà hoàn toàn dùng đến bàn tay khéo léo của mình để nuông nắng lên những hình hài mượt mà nhất.

– Nét độc đáo này thể hiện cho sự tinh tế, kỹ lưỡng, cần cù và chịu khó của người người phụ nữ Chăm truyền thống. Bên cạnh đó, là thể hiện cho nghệ thuật tuyệt hảo trên từng đường xoay, chải vuốt.


    

3. Quy trình tạo nên sản phẩm

* Chuẩn bị đất:

– Vật liệu là thứ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tạo tác nên sản phẩm.
Để chọn nguyên liệu làm gốm tốt, đất sét phải được lấy từ bờ sông Quao sau đó đem về đập thành những cục nhỏ, phơi khô, loại bỏ những tạp chất rồi ngâm nước trong hố đất đã đào sẵn.

– Cát cũng được sàng lọc kỹ, và lượng cát pha cũng phải tuỳ thuộc vào hình dạng và kích thước của sản phẩm gốm định làm.


– Những người nghệ nhân ở làng nghề gốm Bàu Trúc dùng chân để nhồi đất và cát mịn, rồi cuộn thành từng lọn hình trụ và phủ kín bằng tấm vải để ủ qua đêm.


Khâu chuẩn bị đất

* Tạo dáng gốm:

– Nặn hình: để tạo dáng gốm ban đầu, sau đó dùng “vòng quơ” chải quanh thân gốm.
– Chà láng gốm: dùng “vải cuộn” thấm nước, quấn vào tay rồi chà láng mặt ngoài của gốm.
– Trang trí hoa văn: dùng que cây, vỏ sò, hoa thực vật… để tạo hoa văn trên gốm, chủ yếu là hình răng cưa, khắc vạch, sóng nước, bông hoa… có họa tiết đơn giản nhưng mang vẻ đẹp rất riêng.



Quy trình tạo hình một chiếc bình gốm Bàu Trúc

*Nung gốm:

– Các sản phẩm Gốm Bầu Trúc được nung ngoài trời, và phải phơi khô trước một ngày. Khi nung, củi được xếp thành hình chữ nhật dày khoảng 0.2m-0.3m, phía trên người ta xếp úp 2-3 lớp gốm, phía dưới xếp những sản phẩm gốm lớn hơn. Tiếp đó toàn bộ phủ một lớp rơm rạ dày khoảng 0.2m, và bên trên là một lớp trấu mỏng. Thời gian nung khoảng 6 giờ đồng hồ, đến khi gốm chín tới thì dừng. 


4. Một số hình ảnh tại làng gốm Bàu Trúc


IV.2. KIẾN THỨC LIÊN MÔN

  1. Văn hóa của Người Chăm


* Đôi nét chung

– Chăm Ninh Thuận – Bình: tổng số khoảng 127.000 người (Ninh Thuận: 80.000; Bình Thuận: 47.000). Đây là nhóm cộng đồng Chăm lớn nhất ( 67,6% tổng số người Chăm ở Việt Nam. Hệ thống chữ viết: Nam Đạo


– Lễ hội nổi tiếng: Kate

– Kiến trúc đại diện cho nền văn hóa: Tháp Chàm.




* Tôn giáo:

Theo 2 tôn giáo chính là Hindu Giáo và Hồi giáo bản địa. Là các tôn giáo đa thần

– Hindu Giáo (Bà La Môn Giáo): có khoảng 38.000 người cư trú ở 16 làng chủ yếu. Quy định hỏa táng, không ăn bò (vì bò là hóa thân của thần Siva). Thờ một số vị thần như: Thần Brama, Thần Siva, thần Vinus, thần đá, thần cây, thần lửa

– Hồi giáo bản địa (Đạo Bani): có khoảng 39.000 người, cư trú ở 7 làng. Quy định hình thức thổ táng. Kiêng heo, có chữ viết riêng và có các vị tiếp sách dạy đạo.

* Sinh hoạt

– Ăn: Người Chăm ăn cơm, cá, thịt, rau củ, do săn bắt, hái lượm và chăn nuôi, trồng trọt đem lại. Thức uống có rượu cần và rượu gạo. Tục ăn trầu cau rất phổ biến .

– Ở: ở nhà đất (nhà trệt). Mỗi gia đình có những ngôi nhà được xây cất gần nhau theo một trật tự gồm: nhà khách, nhà của cha mẹ và các con nhỏ tuổi, nhà của các cô gái đã lập gia đình, nhà bếp và nhà tục trong đó có kho thóc, buồng tân hôn và là chỗ ở của vợ chồng cô gái út.

– Mặc: Nam nữ đều quấn váy tấm. Ðàn ông mặc áo cánh ngắn xẻ ngực cài khuy. Ðàn bà mặc áo dài chui đầu. Màu chủ đạo trên y phục là màu trắng của vải sợi bông

* Xã hội: Gia đình người Chăm mang truyền thống mẫu hệ. Hôn nhân cư trú phía nhà vợ, con sinh ra đều theo họ mẹ. Sính lễ do nhà gái lo liệu. Gia đình một vợ một chồng. Chỉ con gái được thừa kế tài sản và phải nuôi cha mẹ già

  1. Khám phá làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp

* Lịch sử ra đời và hình thành làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp

Cũng như làng gốm của người Chăm làng Bàu Trúc, làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp từ khi được bà Ponagar truyền dạy đã không ngừng phát triển cho đến đến ngày nay. Cách sáng tạo và kết hợp từ màu sắc trên nền vải được truyền dạy từ nghệ nhân, tổ nghề Ponagar. Thổ cẩm của người Chăm làng Mỹ Nghiệp đã trở thành một nghề chủ chốt trong cuộc sống kinh tế và tinh thần.

 


*Nét đặc sắc về nghệ thuật

Để có một sản phẩm thổ cẩm tinh sắc mềm mại, hài hòa hoa văn khoát lên trên cơ thể. Thổ cẩm phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, từ tách hạt lấy bông, cuộn, ngâm dập, nhuộm, hồ, chải cho đến đánh ống rất vất vả. Ngay cả khâu tìm màu nhuộm cũng đòi hỏi người thợ phải hết sức công phu.


Xa cán bông hàng trăm năm tuổi


Để có từng sợi tơ màu làm nên tấm thổ cẩm đều phải đi tìm và lựa chọn nguyên liệu kỹ lưỡng. Điều khó khăn không chỉ việc tìm nguyên liệu để tạo nên tấm thổ cẩm có màu sắc đẹp, mà khó còn khăn còn ở công đoạn phối màu và thể hiện trên từng đường nét.


Sau quá trình chọn nguyên liệu để làm tạo những màu sắc cho tấm thổ cẩm. Việc sáng tạo ra những hoa văn tinh xảo phải được vận dụng tỉ mỉ, chu đáo từ hoa tay, óc thẩm mỹ cùng sự am tường về đường nét, màu sắc, hình khối… của người nghệ nhân là cực kỳ quan trọng. 

Trong quá trình dập vải, việc thực hiện nhịp điệu đều tay cũng rất quan trọng. Nếu không có sự nhịp nhàng thì vải sẽ không căng mịn và khó nổi bật hoa văn. Ngoài ra, trong quá trình đan dệt người nghệ nhân cũng phải có một tinh thần thoải mái, vui tươi thì những sợi chỉ nhỏ li ti mới dần biến thành những mảnh thổ cẩm có hồn với màu sắc rực rỡ, hoa văn tinh xảo.



  1. Khám phá vườn nho Thái An

Đến với vườn nho Thái An, dù bất kỳ đâu, bất kỳ không gian nào bạn cũng sẽ thấy một khu vườn chỉ trái và trái. Đó là điều đặc trưng mà không nơi đâu có được ngoài Thái An.

Tới đây, bạn có thể tự do vào vườn tham quan, thưởng thức những trái nho đỏ chín mọng và mua nho về làm quà với giá khoảng 35.000 đồng/kg. Nho Ninh Thuận quả không to, có hạt nhưng vị ngọt thanh và đặc biệt rất giòn. Đó là nhờ cái nắng, cái gió quanh năm của vùng đất Phan Rang đã khiến quả nho nơi đây có hương vị đậm đà khác biệt. Có lẽ vì thế, mà thương hiệu nho Thái An luôn được ưa chuộng đối với người tiêu dùng khắp cả nước.


Những chùm nho chín mọng tại vườn nho Thái An


Học sinh tham quan chụp hình tại vườn nho

IV.3. CÁC HOẠT ĐỘNG GIAO LƯU

  1. Giao lưu với học sinh khối chuyên Hóa trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn – Ninh Thuận


Có những chuyến đi rồi sẽ phai mờ, rồi sẽ biến mất trong trí nhớ của con người nhưng cũng có những chuyến đi dù chỉ là một khoảnh khắc cũng khiến người ta nhớ mãi. Chuyến đi trải nghiẹm sáng tạo tại Ninh Thuận của khối hóa vừa qua chính là kỉ niệm đẹp như thế Và có lẽ cuộc giao lưu và gặp mặt với khối Hóa trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn sẽ là một kỉ niệm khó phai trong trái tim của học sinh khối hóa. Chúng mình dược trò chuyện cùng nhau, tham gia cùng nhau những trò chơi vui nhộn cũng chính là cơ hội để cả hai khối hóa thể hiện chính mình, tạo nên những kỉ niệm đẹp đẽ. Không những thế, buổi giao lưu ấy còn là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau mà không thể tìm thấy trong sách vở nào cả. Buổi giao lưu thực sự đem lại cho khối Hóa những kí ức khó phai.


  1. Tham gia các trò chơi trên bãi biển Ninh Thuận



Được tham gia những trò chơi đồng đội trong khung cảnh lãng mạn của một buổi sáng sớm trên bãi biển đã làm chúng mình có thêm sự đoàn kết, sự thấu hiểu và đặc biệt là những kỉ niểm khó quên.


V – TỔNG KẾT – RÚT KINH NGHIỆM

1. Hạn chế

– Một số bạn còn chưa tuân thủ thời gian chung nên làm các bạn khác phải chờ đợi và trì trễ chuến tham quan.

– Một số bạn cần rèn luyên sức khỏe để tránh tình trạng say xe, say nắng …

 

2. Kết quả đạt được

– Chương trình diễn ra thuận lợi và thành công tốt đẹp.

– Tăng vốn hiểu biết về làng gốm Bàu Trúc, làng dệt Mỹ Nghiệp, văn hóa Chăm, về con người, cảnh vật và mang đến cho học sinh một trải nghiệm thú vị

– Giao lưu, học hỏi, thắt chặt tình đoàn kết giữa các lớp chuyên Hóa

– Giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống: sinh hoạt tập thể, đúng giờ, sống chung, thích nghi, giải quyết vấn đề cá nhân, yêu thương, chăm sóc, tự lập,…

– Tìm hiểu về hướng phát triển kinh tế biển như trồng Lan Hồ Điệp, Chế biến rượu từ Nho, Du Lịch….

– Qua chuyến đi này học sinh đã tích lũy cho bản thân nhiều kinh nghiệm, kiến thức, trải nghiệm mới mẻ và có rất nhiều kỉ niệm vui vẻ bên nhau. Các em đã cảm nhận chuyến đi thật bổ ích và lý thú.

Chuyến trải nghiệm đã đáp ứng nhu cầu học tập gắn với các hoạt động thực tế của Tổ Hóa học: học sinh phát huy tinh thần ham học, say mê với các kiến thức Hóa học và đẩy mạnh các hoạt động học tập thực tế và nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân học sinh với đào tạo mũi nhọn trường Chuyên và đặc biệt thông qua chuyến đi thực tế giáo dục cho các em nhận thức đúng đắn về kiến thức liên môn, thực tiễn địa phương cùng với các điều kiện phát triển kinh tế vùng miền.

Tổ Hóa học xin trân trọng cảm ơn lãnh đạo Sở GD ĐT Lâm Đồng, Ban giám hiệu trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt và phụ huynh học sinh đã tạo điều kiện cho tổ hoàn thành chuyến trải nghiệm thực tế này.