PHẦN 3. MỘT SỐ KĨ NĂNG THOÁT HIỂM TRONG MÔI TRƯỜNG NƯỚC
Khi tham gia hoạt động trong môi trường nước, trẻ em, học sinh luôn phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn đuối nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Học sinh biết bơi hoặc chưa biết bơi, nếu được trang bị những kiến thức, kĩ năng an toàn, chủ động trong phòng tránh sẽ hạn chế được tối đa tai nạn đuối nước đối với các em.
I. Chuột rút và cách xử lí
1. Chuột rút
Chuột rút là hiện tượng co thắt cơ đột ngột, gây đau dữ dội ở bắp thịt, làm cho việc cử động khó khăn, thậm chí không cử động được.
Chuột rút có thể xảy ra ở các khối cơ, các vị trí thường hay bị là cẳng chân, bắp đùi, bàn tay, bàn chân và cơ bụng. Nhìn chung, chuột rút không đe dọa đến tính mạng, tuy nhiên nó sẽ rất nguy hiểm nếu người bị chuột rút ngồi gần bếp lửa, leo cầu thang, đang lái xe hoặc đang ở dưới nước.
Thời gian chuột rút có thể rất ngắn (2 – 3 giây) hoặc dài đến vài phút và có thể tái diễn. Trong trường hợp khi đang bơi bị chuột rút, nếu không biết cách khắc phục thì cố gắng giữ nổi cơ thể, hiện tượng chuột rút sẽ tự mất đi sau một khoảng thời gian nhất định. Do đó, khi bị chuột rút phải thật bình tĩnh, tìm cách tự xử lí hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ.
2. Nguyên nhân gây ra hiện tượng chuột rút
a) Do cơ bắp không đủ sức mạnh và độ dẻo
Cơ bắp không đủ sức mạnh và độ dẻo do các nguyên nhân sau:
– Lười vận động, tập thể dục khiến cơ bắp của cơ thể yếu.
– Vận động quá sức khiến cơ bắp không được cung cấp đủ ô xi kịp thời, có thể do bơi nhiều, bơi lâu, trước khi xuống nước đã vận động quá nhiều,…
– Teo cơ do tuổi tác: Chuột rút có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và có xu hướng tăng khi tuổi càng cao. Theo thống kê, có khoảng 30% số người trên 60 tuổi và 50% số người trên 80 tuổi thường hay bị chuột rút, nhất là vào ban đêm.
b) Do không khởi động hoặc khởi động không kĩ trước khi xuống nước
Không khởi động hoặc khởi động làm nóng cơ thể không kĩ trước khi xuống nước có thể xảy ra hiện tượng:
– Làm cơ dễ bị co rút khi thực hiện những động tác mạnh, đột ngột.
– Dễ ứ đọng axit lactic trong cơ làm cơ nhanh mệt, kích thích thần kinh tuỷ sống gây co rút cơ liên tục.
c) Do cơ thể bị mất nước và các chất điện giải
Cơ thể bị mất nước, chất điện giải (kali, magie, canxi) và muối, là do:
– Hoạt động tiêu tốn nhiều năng lượng trong thời gian dài, liên tục.
– Hoạt động trong môi trường quá nóng ra nhiều mồ hôi.
3. Cách xử lí
a) Nguyên tắc chung
– Bình tĩnh, hô cứu, một tay nắm lại, giơ lên ra hiệu, sử dụng một tay còn lại và hai chân để cố gắng bơi vào bờ.
– Không được vùng vẫy, vì càng vùng vẫy nhiều sẽ làm mất sức và chìm nhanh.
– Chủ động, bình tĩnh cố gắng chịu đau và thả lỏng cơ thể, thực hiện kĩ thuật nổi ngửa để giữ đầu, mũi, miệng luôn nổi trên mặt nước để tránh nước vào đường thở gây sặc, ngạt nước.
– Thực hiện một số động tác tự cứu khi chưa có sự trợ giúp kịp thời.
b) Cách xử lí ở một vùng cụ thể
* Chuột rút ở ngón tay, cánh tay
– Chuột rút ở ngón tay: Nắm thật chặt bàn tay, sau đó xoè mạnh các ngón ra. Lặp đi lặp lại như vậy 3 tới 4 lần có thể sẽ hết.
– Chuột rút ở cánh tay: Gập, duỗi mạnh cánh tay theo cách nắm chặt bàn tay lại → gập khuỷu tay lại hết cỡ → vung cánh tay thật mạnh ra phía trước → thả lỏng khoảng 5 – 10 giây, sau đó tiếp tục gập đi gập lại cánh tay như đã làm với tư thế thả lỏng hơn.
Lưu ý: Phải nắm chặt các ngón tay lại, gập khuỷu tay thật mạnh, dùng hết sức duỗi mạnh khuỷu tay ra thì mới nhanh có tác dụng kết thúc hiện tượng chuột rút
* Cách xử lí chuột rút cẳng chân hoặc đùi
Hít một hơi dài → sau đó ngụp xuống nước → dùng tay đối diện với chân bị chuột rút nắm lấy ngón chân, kéo ngược lên phía trên thân người → đồng thời dùng tay cùng bên với chân bị chuột rút ấn vào đầu gối của chân bị chuột rút, làm cho chân bị chuột duỗi thẳng ra → giữ khoảng 5 – 10 giây. Làm liên tục 2 – 3 lần như vậy sẽ hết.
Lưu ý: Có thể đứng nước và cố gắng gập, duỗi thẳng chân ra, lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, cách này hiệu quả không cao như cách làm nêu trên.
c) Cách xử lí chuột rút ở bụng
Chuột rút ở bụng do co thắt bất ngờ hoặc do nghiêng người quá giới hạn trong lúc bơi. Hiện tượng chuột rút ở bụng hiếm gặp hơn các trường hợp khác, tuy nhiên nếu xử lí không đúng cách cũng sẽ rất nguy hiểm.
Cách xử lí: Bình tĩnh, hít một hơi dài → gập bụng xuống sao cho đầu gần với đầu gối nhất → lấy sức vươn thẳng người lên và hóp bụng lại khoảng 5 – 10 giây → nổi người, thả lỏng từ từ và hít thở nhẹ nhàng. Thực hiện như vậy 3 – 5 lần thì các nhóm cơ ở vùng bụng sẽ được thả lỏng, sẽ khỏi chuột rút.
Lưu ý: Có thể đứng nước, thả lỏng người, dùng tay xoa nhẹ vào bụng để dãn cơ ra.
d) Tác dụng của việc đứng nước và thả lỏng toàn thân khi bị chuột rút
Kĩ năng đứng nước và kĩ năng thả lỏng toàn thân có tác dụng hỗ trợ xử lí tình huống bị chuột rút.
Kĩ năng đứng nước là giữ cho tư thế cơ thể đứng thẳng dưới nước. Tay, chân cử động nhẹ nhàng để đầu (mũi) nhô khỏi mặt nước, có thể thở được. Điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh và nhịp thở chậm lại để đỡ tiêu tốn năng lượng, tránh kiệt sức. Đây là kĩ năng cơ bản đầu tiên khi bắt đầu học bơi, có thể gọi là kĩ năng sống sót, sinh tồn. Tuy nhiên, nhiều khi cả người dạy và người học đều bỏ qua tập kĩ năng này hoặc chỉ hướng dẫn sơ sài.
Kĩ năng thả lỏng toàn thân dưới nước giúp cho các cơ bắp ở trạng thái hoàn toàn tự nhiên, thoải mái, không có sự căng cứng của các cơ để giữ cơ thể nổi, mặt (mũi) nổi trên mặt nước. Kĩ năng này cũng có tác dụng tương tự như kĩ năng đứng nước.
4. Phòng tránh chuột rút khi bơi
a) Khởi động kĩ trước khi xuống nước
Nhất thiết phải dành khoảng 15 phút để khởi động cơ bắp, các khớp, nhất là khi trời lạnh, nước lạnh để làm nóng cơ thể. Có thể tập theo hướng dẫn sau:
– Đầu tiên, áp dụng các bài thể dục buổi sáng và nên tập 02 lần với cường độ khác nhau.
– Sau đó chạy cự li ngắn (100m) theo thứ tự: Chậm – nhanh dần – chậm dần và trở về trạng thái đi bộ.
– Cuối cùng là khởi động các khớp, ép cơ để cơ thể ở trạng thái sẵn sàng nhất.
b) Đánh giá sức khoẻ bản thân
– Khi cơ thể mệt mỏi, nhất là sau khi vận động nhiều thì không nên xuống nước.
– Người có cơ bắp yếu, người lớn tuổi cần hạn chế hoạt động mạnh hoặc bất ngờ khi ở dưới nước.
c) Thực hiện đúng các động tác kĩ thuật bơi
– Để đỡ tốn quá nhiều sức.
– Không nên bơi ở chỗ nước sâu nếu khả năng bơi còn hạn chế.
– Không nên mang chân vịt khi bơi vì chân sẽ phải hoạt động cường độ, lực mạnh hơn khiến dễ bị chuột rút.
d) Phân phối sức trong khi bơi
Khi tiếp xúc với môi trường nước, cơ thể sẽ diễn ra quá trình phản ứng với 3 giai đoạn:
– Ức chế (khoảng 10 – 15 phút): Sau khi khởi động, trạng thái cơ thể đã sẵn sàng, nhưng khi tiếp xúc với nước, cơ thể có một số phản ứng tự nhiên như: co mạch ngoại vi, tăng nhẹ huyết áp, tim đập nhanh hơn, nhịp thở tăng và mạch cũng nhanh hơn. Điều này là bình thường, không nên lo lắng nhưng nếu khởi động không kĩ thì các hiện tượng này sẽ có biểu hiện mạnh, rõ hơn (tuyệt đối không xuống nước nếu không khởi động). Ở giai đoạn này, nên bơi nhẹ nhàng, giống như tập làm quen với môi trường nước, không nên bung sức, bơi nhanh, bơi xa ngay.
– Thích nghi: Thời điểm này, các biểu hiện của ức chế mất đi, cơ thể trở lại bình thường như khi ở trên bờ, nhưng gây tiêu hao năng lượng nhiều nhất. Tuỳ theo thể trạng, sức khoẻ, thể lực của mỗi người để chủ động cho phép mình được hoạt động trong thời gian bao lâu để đảm bảo vừa sức, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng bản thân.
– Hồi phục (bù đắp): Giai đoạn này, cơ đã mỏi, động tác phối hợp không còn nhịp nhàng, mạnh mẽ như giai đoạn thích nghi, năng lượng cơ thể đã bị tiêu hao nhiều. Lúc này, cần giảm cường độ bơi, thả lỏng toàn thân và vào dần sát bờ. Bình thường, không cần vội vã lên bờ vì cơ thể cần giai đoạn hồi phục dưới nước (giống như sau khi chạy nhanh về đích thì không nên dừng đột ngột mà phải tiếp tục chạy nhẹ hoặc đi bộ tiếp một đoạn). Nếu thấy rất mệt mỏi, rét lạnh thì tìm cách lên bờ hoặc đến phương tiện cứu hộ ngay. Khi lên khỏi mặt nước, nếu bị lạnh thì đến nơi kín gió, ủ ấm, sưởi ấm, uống một ít trà đường nóng.
Trong quá trình bơi, nếu không biết phân phối sức một cách hợp lí thì có thể bị chuột rút ở bất kể giai đoạn nào. Do đó, cần phải:
– Lựa chọn kiểu bơi, kĩ thuật bơi phù hợp với thể trạng, sức khoẻ bản thân.
– Không bơi trong môi trường nước lạnh.
– Không ngâm mình dưới nước quá lâu, nhất là khi nước lạnh, trời mưa.
– Biết chủ động phân phối sức trong quá trình bơi để luôn duy trì, kiểm soát được tình hình sức khoẻ của bản thân. Khi thấy hiện tượng mệt mỏi phải thực hiện kĩ năng nổi ngửa, đứng nước, thả lỏng, nghỉ ngơi, hồi phục và từ từ bơi vào bờ.
– Tuyệt đối không được cố bơi khi đã cảm thấy mệt, đuối sức. Nếu cần thiết, phải tìm cách kêu gọi sự giúp đỡ của người xung quanh để đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra.
– Luôn tuân thủ các quy định an toàn khi bơi. Tuyệt đối không được chủ quan, cho là mình bơi giỏi không sợ bị chuột rút và luôn phải tuân thủ các quy định an toàn khi bơi.
5. Kĩ năng thoát hiểm khi bị chuột rút
Khi đang hoạt động dưới nước mà bị chuột rút sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, thậm chí tử vong nếu như không biết cách xử lí và được sự trợ giúp kịp thời. Vì vậy, cần lưu ý để chủ động đề phòng, thoát hiểm khi không may gặp hiện tượng chuột rút khi hoạt động dưới nước.
– Khi bị chuột rút trong lúc ở dưới nước (dù ở chỗ nông hay sâu) phải tìm mọi cách báo cho người xung quanh biết (nếu ở gần ngay đó) hoặc kêu cứu (dù không nhìn thấy ai xung quanh).
– Khi bị chuột rút, ngay lập tức quan sát để tìm những chỗ có thể bám, đu vào được và di chuyển đến để bảo vệ an toàn bản thân.
– Khi có hiện tượng chuột rút, tuyệt đối không được vùng vẫy mạnh vì sẽ nhanh bị mất sức. Phần cơ bị chuột rút sẽ làm cơ thể đau đớn, dẫn đến hoảng loạn, dễ sặc nước và nguy cơ đuối nước sẽ rất cao. Trong trường hợp đó, hãy cố gắng bình tĩnh, thả nổi ngửa, thả lỏng cơ bắp và có thể thực hiện các cách xử lí khi bị chuột rút nếu thấy cần thiết. Nếu không nghiêm trọng quá thì có thể áp dụng “bơi tự cứu” để vừa kêu cứu vừa dịch chuyển vào chỗ an toàn hơn. Chúng ta nên ghi nhớ, bản chất cơ thể con người khi xuống nước sẽ tự nổi nên chỉ cần bình tĩnh, thả lỏng cơ thể, ngửa cổ, khua nhẹ tay, chân là cơ thể có thể nổi trên mặt nước.
– Khi bị chuột rút cần tìm cách lên bờ ngay, xoa bóp bộ phận bị chuột rút, giữ ấm và không tiếp tục bơi nữa.
II. Dòng chảy rút xa bờ
1. Nguyên nhân hiện tượng và cách nhận biết dòng chảy rút xa bờ
Dòng chảy rút xa bờ (dòng rip/ dòng chảy xa bờ/ dòng chảy ra xa bờ) là một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Vận tốc trung bình của dòng chảy khoảng 0,5m – 1m/ giây, thậm chí đến 2,5m/ giây, không ai có khả năng bơi ngược dòng để vào bờ. Chiều ngang dòng chảy thường hẹp, khoảng 1 – 3m, cá biệt rộng đến cả chục mét; trong một ngày, dòng chảy xa bờ có thể di chuyển đến nhiều vị trí khác nhau trong vùng sóng đổ.
Nguyên nhân có dòng nước rút xa bờ là do sóng đập vào bờ khiến nước rẽ sang hai bên, dòng nước này di chuyển dọc theo bờ cho đến khi tìm ra lối thoát ngược ra khơi, tạo ra dòng nước rút xa bờ. Thường dòng chảy rút xa bờ hoạt động trong phạm vi hẹp và xảy ra trong vùng nước có những dải cát, dưới cầu tàu hoặc dọc những đê chắn sóng.
Mặt nước nơi có dòng chảy xa bờ thường lặng, ít sóng nên khiến cho ta hiểu lầm đó là nơi an toàn và có thể tắm được. Dòng chảy xa bờ có thể kéo người ra chỗ sâu hơn dù người đó đang đứng ở mực nước ngang hông.
Hình ảnh về dòng chảy rút xa bờ
Ở hình trên, nơi có sóng bạc đầu là nơi dòng nước đi từ biển vào bờ. Nếu chúng ta tắm biển nơi có sóng bạc đầu sẽ được sóng đánh đưa vào bờ, tuy nhiên nếu di chuyển vào chỗ lặng sóng (giữa hai mũi tên) là rơi vào dòng chảy rút xa bờ. Dòng chảy nhỏ này sẽ lập tức kéo chúng ta dần ra xa bờ. Như vậy, vùng có sóng là vùng nước an toàn, còn vùng lặng sóng chính là vùng nguy hiểm.
Dòng chảy xa bờ thường có màu sậm hơn vì nơi đó nước sâu hơn
Nhận biết dòng chảy rút xa bờ:
– Dòng chảy xa bờ có màu khác biệt so với vùng nước xung quanh, thường là sậm màu hơn và đục hơn tuỳ theo góc chiếu của ánh nắng mặt trời.
– Đôi khi có thể thấy các mảnh vỡ của các vật thể nổi hay bọt nước nổi trên mặt dòng chảy cuốn ra xa bờ và trôi ra biển. Trong khi đó, sóng bạc đầu sẽ đẩy các mảnh vỡ này vào gần bờ.
– Dòng chảy xa bờ có mặt nước phẳng lặng hơn và ít sóng hơn. Nếu di chuyển vào chỗ lặng sóng sẽ rơi vào dòng chảy xa bờ. Ngược lại, nếu bơi trên biển nơi có sóng bạc đầu thì sẽ được sóng đánh dạt vào bờ.
2. Phòng tránh và xử lí khi gặp dòng chảy rút xa bờ
a) Phòng tránh dòng chảy rút xa bờ
* Trước khi xuống nước
– Dành 5 – 10 phút để quan sát chỗ định xuống tắm, bơi và xem có dòng chảy rút xa bờ hay không.
– Chú ý quan sát biển báo, tìm hiểu thông tin ở người cứu hộ hoặc người có kinh nghiệm ở địa phương.
* Khi đã xuống nước
– Vừa bơi vừa chú ý quan sát để phát hiện dòng chảy rút xa bờ vì dòng nước này có thể di chuyển và mới xuất hiện (khi ở trên bờ không thấy, nhưng khi ở dưới nước dòng rút xa bờ mới xuất hiện).
– Khi gặp dòng nước rút xa bờ: Bình tĩnh thả nổi, bơi theo dòng nước rồi tìm cách thoát ra vì dòng nước này chỉ hoạt động mạnh trên mặt nước, càng ra xa bờ, càng yếu rồi tan đi, không thể kéo, dìm người xuống sâu.
* Người trên bờ, cứu đuối
Người đang ở trên bờ hoặc chưa bị cuốn vào dòng chảy rút xa bờ cần thực hiện:
– Không bơi vào cứu vì sẽ bị trôi theo.
– Có thể quăng phao, dây (nếu có) và hô to, truyền tin gọi người cứu hộ chuyên nghiệp hoặc người bơi giỏi, có kinh nghiệm để cứu hộ.
– Kêu, nói to cho nạn nhân nghe thấy để bình tĩnh bơi thả lỏng, bơi đứng, không hoảng sợ và sẽ có người giúp đỡ.
– Khẩn cấp gọi điện thoại đến đội cứu hộ, cứu nạn để giúp đỡ.
Lưu ý: Tuyệt đối không được bơi vào vùng dòng chảy rút xa bờ để cứu mà cần phải tránh ra xa, tìm các vật cứu hộ, quăng phao trợ giúp và nhanh chóng truyền tin, kêu gọi lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp.
b) Cách thoát hiểm khi bị cuốn vào dòng chảy rút xa bờ
– Nhanh chóng kêu cứu, bình tĩnh, tuyệt đối không bơi ngược dòng chảy, nên bơi song song hoặc hơi chéo với bờ biển rồi từ từ tìm cách tách ra khỏi dòng chảy để bơi vào bờ. Càng ra xa bờ, dòng chảy càng yếu rồi tan đi. Có khi phải bơi hàng trăm mét mới thoát ra được.
– Khi bơi vào bờ, hướng tới những điểm có sóng đập vào bờ hoặc theo hướng vật thể nổi trên mặt nước đang dạt dần vào bờ (nếu nhìn thấy) để tránh rơi vào dòng chảy rút xa bờ khác.
– Nếu gặp dòng chảy xiết, không thể bơi chéo để thoát khỏi thì nên thư giãn, giữ cơ thể nổi trên mặt nước hoặc đứng nước để giữ sức. Khi dòng chảy rút xa bờ suy yếu, tiếp tục bơi chéo góc hoặc song song với bờ biển để thoát ra.
Lối thoát
Dòng chảy xa bờ
III. Vùng nước xoáy
1. Nhận biết về vùng nước xoáy
Vùng nước xoáy (còn gọi là xoáy nước) là hiện tượng thiên nhiên do hai dòng nước chảy ngược chiều gặp nhau và cuốn vòng, thường thấy ở những eo biển hẹp với lượng
nước lớn dồn lại do sức ép thuỷ triều. Sức hút thường không đủ mạnh để nhấn chìm tàu bè nhưng có thể gây nạn cho con người. Vùng nước xoáy cũng xuất hiện ở chân thác nước hay ghềnh nước, vì nước di chuyển tương tự với dòng chảy xiết đảo lộn không thuận chung về một hướng. Do đó, không được tắm, bơi ngay cạnh chân thác nước.
Có 2 nguyên nhân tạo nên dòng nước xoáy:
– Do nước chảy thành 2 dòng ngược nhau và chỗ giao nhau sẽ tạo thành xoáy nước.
– Có thể do ở dưới đáy sông có một cái hố thông qua một dòng chảy khác, khu vực này sẽ tạo thành một vùng xoáy có lực hút rất mạnh, có thể hút tất cả các vật trên mặt nước xuống dưới đáy sông. Đây là một vùng xoáy cực kì nguy hiểm
Nhận biết: Khi bơi, cảm thấy cơ thể như bị sụt xuống là dấu hiệu đang bị rơi vào vùng nước xoáy.
2. Phòng tránh và thoát hiểm
2.1. Phòng tránh vùng nước xoáy
– Trước khi xuống nước quan sát kĩ các khu vực gần trụ cột, tảng đá hay xuất hiện vùng nước xoáy để nhận biết dấu hiệu và tránh.
– Tuyệt đối không được tự ý nhảy xuống cứu người đang bị cuốn vào dòng xiết nguy hiểm vì không thể cứu được mà bản thân sẽ gặp nguy hiểm.
– Khi phát hiện người bị rơi vào vùng nước xoáy, vừa kêu gọi cứu hộ, vừa có thể tìm kiếm que, gậy, cành cây, dây, thắt lưng, áo, quần,… quăng xuống để kéo người gặp nạn vào bờ.
– Trong máy điện thoại luôn luôn lưu số điện thoại cứu hộ khẩn cấp, giáo dục hướng dẫn cho trẻ em, học sinh hình thành thói quen nhớ các số điện thoại cấp cứu, cứu hộ khẩn cấp và khẩn trương gọi cứu hộ, cứu nạn nơi gần nhất để hỗ trợ kịp thời.
2.2. Kĩ năng thoát hiểm khi bị rơi vào vùng nước xoáy
– Phải bình tĩnh quan sát và bơi hướng ra ngoài của vòng xoáy nước để tìm cách vượt khỏi ảnh hưởng của vòng xoáy.
– Khi đang bơi, nếu gặp vùng nước xoáy cần bình tĩnh, nằm sấp dang rộng tay, chân ra để chủ động đề phòng sự cuốn/ hút xuống sâu của xoáy nước.
– Khi ở vị trí ngoài của vòng xoáy nước lập tức tập trung thể lực bơi sải (trườn sấp) để thoát ra xa vòng xoáy.
– Sau khi thoát khỏi xoáy nước vận dụng bơi ếch, bơi đứng để hồi sức chờ cấp cứu hoặc bơi ếch từ từ vào nơi an toàn.
– Trong trường hợp gặp phải dòng nước xoáy do 2 dòng nước chảy ngược nhau tạo thành thì cần bình tĩnh, tỉnh táo để nhận biết hướng xoáy. Không được bơi theo chiều mũi tên A (là chiều xoáy hút vào tâm), mà phải bơi vòng theo mũi tên B (theo ngược chiều của
vòng xoáy và hướng xa dần tâm xoáy). Người ta thường nghĩ đường A là đường ngắn nhất, nhưng đó là đường khó thực hiện. Cho dù bơi đến kiệt sức, nhưng khoảng cách giữa người bị nạn đến tâm xoáy vẫn không đổi. Thậm chí càng bơi, càng đi vào tâm xoáy mà không biết.
– Trường hợp gặp vùng xoáy mà do dưới đáy sông có một cái hố thông qua một dòng chảy khác, khu vực này sẽ tạo thành một vùng xoáy có lực hút rất mạnh, hút tất cả các vật trên mặt nước xuống đáy sông. Gặp dòng xoáy này, phải bình tĩnh hít một hơi dài và lặn sâu xuống, rồi lặn ngang ra, từ từ tìm cách bơi thoát ra khỏi vùng xoáy bằng hết sức lực của mình. Cần lưu ý xoáy hút tuy nguy hiểm nhưng có nguyên tắc là càng xuống sâu tâm xoáy càng nhỏ lại, vùng nguy hiểm sẽ hẹp hơn. Khi lặn xuống, ta sẽ thoát ra dễ dàng hơn là ở trên mặt nước.
Tổ GDTC-GDQPAN Trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt