I. MỘT SỐ KHÁI NIỆM CHUNG
1. Khái niệm môi trường nước
a) Khái niệm
Môi trường nước là môi trường mà những cá thể tồn tại, sinh sống và tương tác qua lại đều bị ảnh hưởng và phụ thuộc vào nước; môi trường nước có thể bao quát trong một lưu vực rộng lớn hoặc chỉ chứa trong một giọt nước.
b) Một số môi trường nước có liên quan đến đuối nước
Trong cuộc sống thường ngày, trẻ em, học sinh thường xuyên tiếp xúc với nhiều môi trường nước khác nhau như ao, sông, hồ, bể bơi, giếng, mương nước,… Bất kì môi trường nước nào cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây đuối nước, song cần đặc biệt chú ý những khu vực sau đây:
1. Các vùng nước trong thôn làng, bản, khu dân cư: ao, sông nhỏ, suối, kênh, rạch,… chảy quanh làng hay các hố tưới tiêu nông nghiệp nhưng thường không có biển cảnh báo và rào chắn an toàn.
2. Bể, giếng, chum, xô chậu chứa nước trong gia đình
3. Sông (dòng nước có lưu lượng lớn thường xuyên chảy. Nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sông là từ các hồ, ngòi, suối, kênh rạch, sông nhỏ ở độ cao lớn hơn chảy vào)
4. Hồ – một vùng nước đọng rộng và sâu trong đất liền, thông thường là một đoạn sông bị ngăn bởi các biến đổi địa chất tạo nên, đa phần là hồ nước ngọt. Có 2 loại là hồ tự nhiên và hồ nhân tạo.
5. Biển
6. Bể bơi (hay hồ bơi) là loại công trình xây dựng hoặc dụng cụ dùng để chứa nước ở dạng tĩnh nhằm phục vụ cho việc bơi. Bể bơi là nơi bơi tương đối an toàn, tuy nhiên vào mùa hè lượng người đến bể bơi thường tăng cao và nguy cơ mất an toàn luôn có thể xảy ra.
Hình ảnh bể bơi di động tại một trường thuộc Sở GD & ĐT tỉnh Bắc Giang
7. Lũ lụt
Lũ là hiện tượng nước dâng cao, có tốc độ dòng chảy trên sông, suối vượt quá mức bình thường, chảy xiết trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó giảm dần. Lũ thường là do mưa lớn, dồn dập xảy ra ở lưu vực sông hoặc do từ thượng nguồn đổ về. Ở nước ta, lũ quét, lũ ống thường xảy ra ở khu vực miền núi hoặc gần nơi có độ dốc như dưới chân đồi núi hay trong thung lũng.
Lũ, sạt lở đất ở sông Rào Trăng, Phong Điền, Thừa Thiên – Huế năm 2020
Lụt là hiện tượng xảy ra khi nước dâng cao tràn qua bờ sông hoặc phá vỡ đê đập ngăn nước vào các vùng trũng hơn mặt nước của sông (lúc đó), làm ngập nhà cửa, ruộng vườn, cây cối, đường sá,… Lụt thường do lũ gây ra.
Toàn bộ nhà cửa bị nhấn chìm trong trận lụt năm 2011 ở Long An
Vùng lũ lụt thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Nước lũ mang theo rất nhiều mầm bệnh, dễ lây lan. Ngoài ra còn kéo theo nguy cơ sạt lở đất đá, phá huỷ hạ tầng giao thông, đường sá, cuốn trôi mọi vật trên đường đi.
2. Khái niệm đuối nước
a) Theo WHO (Tổ chức Y tế Thế giới),
Đuối nước là hiện tượng khí quản bị một lượng lớn chất lỏng (thường là nước) xâm nhập vào dẫn tới ngạt thở gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời hoặc không tử vong, nhưng gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ thần kinh.
Trong khái niệm này, ta cần lưu ý:
– Đuối nước là một sự kiện, quá trình trải qua một tổn thương đường hô hấp do bị ngập/ chìm trong nước.
– Đuối nước có thể khiến hệ thần kinh bị tổn hại nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
– Bị tai nạn (chuột rút, gặp vùng nước xoáy, nước cuốn trôi ra xa bờ, đắm đò, ngã xuống nước,…) nhưng tự thoát được hoặc được cứu mà không gây tổn hại nghiêm trọng về hệ thần kinh thì không gọi là bị đuối nước.
b) Đuối nước trên cạn (chết đuối khô, chết đuối thứ cấp):
Thường xảy ra trong vòng 1 – 72 giờ sau khi tiếp xúc với nước hoặc bị sặc nước. Đây là hiện tượng nạn nhân bị hít nước vào phổi gây cản trở phổi cung cấp ô xi cho máu, gây ra phù phổi, suy hô hấp dẫn đến tử vong. Đuối nước trên cạn hiếm gặp những vẫn xảy ra nếu không nhận biết được các biểu hiện kịp thời. Biểu hiện của đuối nước trên cạn bao gồm mệt mỏi, khó thở, tâm trạng khó chịu, ho, thiếu nhận thức,… Sau khi tắm, bơi hay sặc nước nếu có các biểu hiện trên thì cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và có các biện pháp can thiệp.
Đuối nước khô còn biểu hiện trong tình trạng phổi không có nước. Xuất hiện do nạn nhân bất ngờ bị chìm trong nước, tạo tâm lí hoảng sợ, khiến cho các phản xạ bị rối loạn, co cơ nắp thanh quản, đóng khí quản lại, làm không thở được, dẫn đến thiếu ô xi vào não và bất tỉnh. Như vậy, đuối nước khô không chỉ là chết đuối trên cạn mà có thể chết ngay ở dưới nước, được vớt lên trong tình trạng đã tử vong mà phổi không có nước.
II. Nguyên nhân gây đuối nước ở học sinh
1. Đặc thù về tâm, sinh lí lứa tuổi
Theo thống kê, trên thế giới, trẻ em ở nhóm 1 – 4 tuổi có tỉ lệ tử vong do đuối nước cao nhất, tiếp theo đó là nhóm 5 – 9 tuổi. Tương tự ở Việt Nam, trẻ ở nhóm 1 – 4 tuổi có tỉ lệ tử vong cao nhất (12,9/ 100 000), tiếp đến là nhóm 5 – 9 tuổi (11/ 100 000), nhóm 10 – 14 tuổi (5,1/ 100 000),…
Ở nhóm trẻ em dưới 5 tuổi (lứa tuổi mầm non): Nguyên nhân đuối nước là do các em chưa có nhận thức và không có khả năng chủ động đảm bảo an toàn khi tiếp xúc với môi trường nước mà phải nhờ sự hỗ trợ của người khác. Vì vậy, tình trạng đuối nước ở trẻ em dưới 5 tuổi thường là hậu quả của việc trẻ bị để một mình hoặc với người chăm sóc không đủ năng lực.
Ở các nhóm tuổi khác, khi các em được học tập tại trường tiểu học (từ 6 tuổi trở lên), trung học cơ sở, trung học phổ thông đã hình thành một số kiến thức, kĩ năng về phòng tránh đuối nước và có ý thức, thái độ cao hơn. Tuy nhiên, các em thường có xu hướng vận động nhiều hơn, hiếu kì, thích khám phá, có các hành vi liều lĩnh, thể hiện bản thân. Do không nhận thức đầy đủ được các hiểm họa, chủ quan, thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên khi không có người lớn giám sát, các em dễ bị đuối nước.
Tỉ lệ đuối nước ở nam cao hơn so với nữ ở mọi nhóm tuổi, trừ trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Ở nhóm tuổi từ 15 – 19, tỉ lệ này ở nam cao gấp 2,7 lần so với nữ. Có tình trạng này là do trẻ em nam hiếu động, tò mò và tham gia nhiều hoạt động mạnh hơn nữ ở các hoạt động diễn ra dưới nước hoặc gần vùng nước mở; đam mê nhiều hơn những hoạt động giải trí dưới nước1. Theo đó, ở Việt Nam, tỉ lệ trẻ em nam tử vong do đuối nước cao gấp gần 2 lần so với trẻ em nữ (10,7/ 100 000 so với 5,4/ 100 000).
Bệnh động kinh làm tăng nguy cơ tử vong do đuối nước ở tất cả các nguồn nước, bao gồm bồn tắm, bể bơi, ao hồ và các vùng nước tự nhiên khác. Trẻ em, học sinh bị động kinh chịu nguy cơ chìm trong nước và đuối nước cao hơn nhiều so với những trẻ bình thường cả ở trong bồn tắm và bể bơi2.
2. Thiếu kiến thức, kĩ năng an toàn
Trẻ em, học sinh thiếu kiến thức, kĩ năng để đánh giá, nhận định các nguy cơ, nguy hiểm có thể xảy ra đuối nước khi các em tham gia các hoạt động lao động, vui chơi trong đời sống hằng ngày gần các khu vực sinh sống có nước hoặc khi đi bơi, tắm ở các vùng nước tự nhiên, vùng nước mở. Các em chưa nhận biết được vị trí an toàn để bơi, đa phần hành động theo ngẫu hứng, chưa có thói quen chấp hành quy định an toàn phòng tránh đuối nước.
Nhiều trẻ em, học sinh biết bơi, thậm chí bơi giỏi nhưng vẫn tử vong do đuối nước là vì các em thiếu kiến thức, kĩ năng chủ động phòng tránh và không biết kĩ năng tự cứu và cứu đuối an toàn. Khi học bơi, thường các em được học ở bể bơi hoặc ao, sông,… nơi có giáo viên hoặc cha mẹ và nhiều người ở xung quanh. Ở những nơi này, các em đã được tiếp xúc nhiều và quen thuộc với địa hình nên sẽ cảm thấy tự tin, an toàn hơn. Nhưng khi bơi ở môi trường nước khác, lạ lẫm, nếu bất ngờ gặp sự cố mà các em chưa thành thạo kĩ năng bơi, kĩ năng thoát hiểm thì dễ bị đuối nước.
Đã có những trường hợp trẻ em, học sinh bơi giỏi, dũng cảm cứu được nhiều bạn thoát khỏi đuối nước, nhưng bản thân bị đuối sức và tử vong rất thương xót. Ngoài ra, nhiều vụ học sinh bị đuối nước tập thể do các em chưa được trang bị những kiến thức cứu đuối an toàn. Vì vậy, cùng với học bơi, các em cần phải được trang bị những kiến thức, kĩ năng về nhận biết các nguy cơ gây đuối nước, kĩ năng ứng phó với các tình huống khi các em tham gia sinh hoạt trong môi trường sống hằng ngày, khi tham gia bơi, lội để đảm bảo an toàn cho bản thân trước khi được sự hỗ trợ của người khác.
3. Thiếu sự giám sát của người lớn
Trong nhiều trường hợp vì nhiều lí do khác nhau, trẻ em bị bỏ mặc không được trông nom hoặc thoát li khỏi sự giám sát của cha mẹ, người lớn, người có trách nhiệm, dẫn đến bị ngã, rơi vào vùng nước dẫn tới bị đuối nước.
Trường hợp người giám sát không đủ năng lực như người giám sát là anh, chị còn nhỏ tuổi, người có những hạn chế nhất định về năng lực hành vi, người giám sát trẻ em không biết bơi và không có kĩ năng cứu đuối,…
Trường hợp người giám sát thiếu trách nhiệm như chủ phương tiện giao thông đường thuỷ, chủ bãi tắm, người phụ trách tổ chức sự kiện,… không thực hiện đúng các quy định khi trẻ em, học sinh hoạt động ở gần vùng nước mở hoặc trong môi trường nước.
4. Môi trường nước xung quanh tiềm ẩn nguy cơ
Môi trường nước xung quanh trẻ em, học sinh chưa an toàn, biểu hiện cụ thể như: chum, vại nước, chậu nước, lu, phi nước, bể chứa nước trong chính gia đình không được che đậy cẩn thận; hố các công trình đào sâu nhưng không có biển cảnh báo và rào chắn; thành giếng không đủ độ cao cần thiết; bể bơi, khu vực tắm biển không có người trông coi hoặc người trông coi không biết bơi, thiếu thiết bị cứu hộ, không có kĩ năng cứu đuối, không có biển cảnh báo nguy hiểm,…
Phương tiện đường thuỷ không bảo đảm an toàn kĩ thuật, thiếu thiết bị an toàn như áo phao, xuồng cứu hộ; chở đường thuỷ quá tải cũng là nguyên nhân gây mất an toàn khi cho trẻ em, học sinh đi lại trên sông nước. Các bể bơi, bãi tắm, các vùng nước mở không có người giám sát, lực lượng cứu hộ; các cây cầu bắc qua kênh, mương, sông, suối,… không bảo đảm kĩ thuật, an toàn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước.
5. Thiên tai
Do nhận thức, kiến thức, kĩ năng và thể chất, thể lực còn hạn chế, đặc biệt khi thiên tai bất ngờ xảy ra, như mưa lớn, lũ, lụt,… nước dâng nhanh, dâng cao, dòng nước xoáy, chảy mạnh khiến trẻ em, học sinh thường bị hoảng hốt, dễ bị nhấn chìm hoặc cuốn trôi xuống kênh rạch, sông suối, cống thoát nước,… dẫn đến tử vong.
Việc loại bỏ các yếu tố nguy cơ dẫn đến tai nạn đuối nước để tạo ra môi trường an toàn cho trẻ em tại các gia đình, cộng đồng dân cư chưa triệt để; nguy cơ xảy ra đuối nước còn tồn tại ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là các vùng quê, nông thôn, miền núi và những vùng khó khăn về đời sống, kinh tế.
Tổ GDTC-GDQPAN Trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt