GIỚI THIỆU TÁC PHẨM “NGƯỜI TỊ NẠN” – Nguyễn Thanh Việt

      Thư viện trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt xin trân trọng giới thiệu tới Quý bạn đọc tập truyện ngắn “Người tị nạn” (tựa gốc: The Refugees) là tác phẩm của Nguyễn Thanh Việt (bút danh Viet Thanh Nguyen) – nhà văn người Mỹ gốc Việt đầu tiên nổi danh toàn cầu với giải Pulitzer danh giá năm 2016. Sách do Phạm Viêm Phương dịch, NXB Hội Nhà văn phối hợp với Phương Nam Book phát hành quý I-2018 với độ dày 213 trang, được in trên khổ giấy 14.5 x 20.5 cm.

 

 

      Những phận người trên đất Mỹ, những ám ảnh về quá khứ chiến tranh, sự thích nghi với môi trường mới và những hoài niệm, đau đáu về quê hương… được Viet Thanh Nguyen chuyển tải đầy tâm sự trong tác phẩm.

      Tác phẩm gồm tám truyện ngắn, viết về những người tị nạn ở Việt Nam, trong đó có Thanh Việt và gia đình. Vì nhiều lý do, họ phải rời Việt Nam, ra nước ngoài sinh sống. Nhà văn kể ông và những người tị nạn khác có chung cảm giác xa lạ với cộng đồng. Họ luôn cố gắng hòa nhập với đám đông, đồng thời che giấu sự mặc cảm.

      Cuốn sách góp phần giúp người đọc hiểu hơn về đời sống, tâm tư của kiều bào nơi xứ người. Đa số các truyện ngắn không đặt nặng về cốt truyện, nội dung mà tác giả dùng lối viết mang đậm tính tự sự, đi sâu vào chi tiết và tâm trạng nhân vật, qua đó làm bật được nỗi lòng của những người xa xứ.

      Mở đầu bằng một câu chuyện đầy ám ảnh về quá khứ đau thương của một gia đình vượt biên: “Những người đàn bà mắt đen”, tập truyện tạo được ấn tượng đặc biệt cho người đọc. Để từ đó, mở ra những câu chuyện khác, nhẹ nhàng hơn nhưng không kém chiều sâu tâm lý và sự phức hợp của quá khứ lẫn hiện tại.

      Qua những trang viết, từng hoàn cảnh gia đình, từng phận người hiện ra với đủ sắc thái. Một cô gái sống bằng nghề viết thuê, luôn bị ám ảnh bởi cái chết của anh trai – người đã cố bảo vệ cô khỏi sự hãm hại của bọn cướp biển – trong chuyến vượt biên hơn 20 năm trước. Một chàng trai mới nhập cư vào xứ cờ hoa, loay hoay thích nghi với cuộc sống mới, văn hóa mới. Một gia đình giáo sư sống ổn định mấy chục năm trên đất Mỹ, nhưng cuối đời, chứng bệnh lẫn trí của người già khiến người chồng luôn sống trong hoài niệm nơi quê nhà mà quên mất thực tại. Hay sự khác biệt trong tư tưởng, nhận thức dẫn đến những mâu thuẫn giữa cha và con, những thành viên trong gia đình hoặc những người bạn…

      Có thể thấy rõ sự chông chênh trong tâm thức của những người ly hương và sự bất an đó bắt nguồn từ quá khứ, từ những chấn thương tâm lý của chiến tranh, của thời kỳ hậu chiến. Để thấy rằng, chiến tranh dù đã lùi xa nhưng dư chấn của nó vẫn đeo bám dai dẳng trong đời sống những người bước ra từ cuộc chiến ấy.

      Đặc biệt, thông qua truyện “Tổ quốc” – truyện ngắn cuối cùng trong tập truyện – Viet Thanh Nguyen khiến người đọc chiêm nghiệm, suy ngẫm về ước mơ và thực tế, về hạnh phúc. Đó là câu chuyện về hai chị em cùng cha khác mẹ, người ở Mỹ trở về thăm cố hương với sự hồ hởi, háo hức; người ở Việt Nam ấp ủ giấc mơ đến Mỹ để được đổi đời. Khi khám phá đời sống thực của nhau, họ có thấu hiểu hơn về hạnh phúc?

      Mở đầu bằng một câu chuyện ra đi và kết thúc bằng một câu chuyện trở về, có thể thấy rõ tâm tưởng của tác giả vẫn hướng về quê cha đất mẹ.

      + Ký hiệu xếp giá: 8(N71)3/T123tr

      + Số ĐKCB: STKVH00063; STKVH00064; STKVH00065

      Sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện nhà trường! Kính mời Quý Thầy cô giáo và các em học sinh cùng đón đọc!

 

Thư viện