Thư viện trường xin trân trọng giới thiệu tới Quý bạn đọc tác phẩm: Đà Lạt, một thời hương xa – du khảo văn hóa Đà Lạt 1954 – 1975 của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên. Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên sinh năm 1979 tại Khánh Hòa, nhưng lớn lên ở Ninh Thuận, tốt nghiệp trung học phổ thông, anh trở thành sinh viên Văn khoa Đại học Đà Lạt. Anh là cây bút truyện ngắn, tản văn quen thuộc của nhiều tờ báo. Nguyễn Vĩnh Nguyên đã có nhiều tập truyện ngắn như Khu vườn lưu lạc (2007), Động vật trong thành phố (2008) hay Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông (2011)… Tác giả sống tại Đà Lạt trong khoảng thời gian từ 1997 đến 2001. Sau đó, Nguyễn Vĩnh Nguyên chuyển về sinh sống và viết văn, làm báo ở thành phố Hồ Chí Minh. Đà Lạt, một thời hương xa là tập sách thứ hai của Nguyễn Vĩnh Nguyên viết về thành phố mờ sương sau Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách.
Cuốn sách là dự án du khảo độc lập được thực hiện trong quãng thời ba năm, với độ dày 400 trang, do NXB Trẻ ấn hành năm 2017 và được in trên khổ 15,5 x 23cm sẽ đưa người đọc trở về Đà Lạt giai đoạn 1954 – 1975 với những câu chuyện thú vị của một đô thị kiểu Pháp, gắn với tên tuổi các nghệ sĩ vang bóng một thời: Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Bạt Tụy, Phạm Công Thiện, Phạm Duy, Lê Uyên Phương, Hoàng Nguyên, Đinh Cường, Trịnh Công Sơn, Linda Lê…
Một Đà Lạt thơ mộng, u hoài, tịnh mặc, đứng ngoài những huyên náo thế cuộc với nếp sống thị dân, giáo dục khai phóng, tự trị đại học cho đến không gian những tàng thư đồ sộ…
Tìm lại hệ giá trị Đà Lạt trong quá khứ không chỉ để hoài cảm, ngậm ngùi về “thời hoàng kim xa quá chừng chìm trong phôi pha” (như cách nói của Cung Tiến) mà là còn để tự vấn trước thực tại.
Đà Lạt được kiến tạo từ những cuộc du hành văn hóa trong quá khứ. Đà Lạt từng là không gian văn hóa đô thị có sức hấp dẫn riêng, nơi gặp gỡ của những khát vọng tri thức lớn, điểm đến của những hành trình sáng tạo đầy lý tưởng. Tất cả đặc biệt cô đọng trong giai đoạn hai mươi năm mà tác giả cuốn sách này chọn khảo sát – một quá khứ gần – nhưng dường như đang đứng trước nguy cơ bị phủ lấp, xóa nhòa bởi bụi thời gian…
Nhân vật, sự kiện, hiện tượng văn hóa được phục dựng lại bằng ghi chép điền dã khảo cứu, kết nối tư liệu và những kiến giải riêng. Quá khứ được đồng hiện trên nền văn phongvừa bay bổng vừa giàu chiêm nghiệm, định hình một lối văn với Đà Lạt, của riêng Đà Lạt.
Với cuốn du khảo này, Nguyễn Vĩnh Nguyên không còn là người lữ khách của vùng trời sương khói riêng tư nữa, mà là một nhà du hành, tri hành đường dài, dấn bước trong đơn độc về miền quá khứ với khát khao được chìm đắm vào tâm hồn của đô thị thời hoàng kim.
Cuốn sách Đà Lạt, một thời hương xa – du khảo văn hóa Đà Lạt 1954 – 1975 là món quà tuyệt vời dành cho những người yêu và thực lòng muốn tìm hiểu giá trị của Đà Lạt, giúp độc giả đưa mình trở lại thời hoàng kim của thành phố sương mù và cảm nhận lại những hồi tưởng đầy cảm xúc.
Cuốn sách hiện đang được trưng bày và phục vụ tại Thư viện nhà trường. Trân trọng kính mời quý thầy cô giáo và các em học sinh cùng đón đọc!