GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH “LÂU ĐÀI” CỦA TÁC GIẢ FRANZ KAFKA

     Thư viện trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt xin trân trọng giới thiệu tới Quý bạn đọc tác phẩm “Lâu đài” của nhà văn Franz Kafka do NXB Văn học phát hành năm 2023, với độ dày 461 trang và in trên khổ giấy 14×20,5cm.

C:\Users\USER\Downloads\88ae4c7af4604f3e1671.jpg

     Nhà văn Franz Kafka (1883 – 1924) sinh ra trong một gia đình Do Thái nói tiếng Đức tại Praha (một phần của Đế quốc Áo – Hung, nay là Công hòa Séc), ông được coi là nhà văn vĩ đại của thế giới. Đến nay, những tác phẩm của ông vẫn gây ra nhiều tranh cãi bởi tư duy nghệ thuật, tính triết học và mỹ quan về cuộc sống. Mặc dù Franz Kafka ra đi khi mới 41 tuổi, nhưng ông đã kịp để lại cho đời những kiệt tác văn học. Sự vĩ đại của Franz Kafka không được đánh giá khi nhà văn còn sống, mà sau khi ông mất.

     Các tác phẩm của ông luôn là sự mổ xẻ nội tâm, những bất đồng, mâu thuẫn, sự mơ hồ, phi lý. Nhiều người đánh giá, văn Kafka là loại văn bí ẩn đến mức thần bí, không phải đọc một lần là hiểu ngay, nhưng lại mang một sức hút mãnh liệt.

     Từ khi nhà văn ra đi đến nay, đã 100 năm, nhưng tên tuổi ông chưa bao giờ lắng xuống. Văn học thế giới luôn dành một chỗ trang trọng để vinh danh Kafka. Sinh thời, những tác phẩm đã được in ấn của Kafka không nhận được sự đánh giá quá cao, nhưng người ta cũng đã chú ý tới Kafka, như một nhà văn có lối viết độc đáo. Các tập truyện Trầm tư (Betrachtung), Một thầy thuốc nông thôn (Ein Landazrt), cũng như các truyện ngắn lẻ (như Hóa thân) được in rải rác. Mặc dù vậy, Kafka chỉ trở thành một ngôi sao văn học thế giới khi nhà văn đã từ giã cõi đời.

     Đó là những bản thảo tiểu thuyết đến nay còn gây tranh cãi, một lối viết lạ, độc đáo, khó hiểu. Nhưng nhà văn cho thấy sức vóc của một triết gia với cách nhìn nhận xã hội, tư duy, tiên tri về một xã hội đầy mâu thuẫn, nhiều giằng co. Đó là các tiểu thuyết Vụ án, Lâu đài và Nước Mỹ… Đặc biệt là ở tiểu thuyết Vụ án, Lâu đài, được đánh giá cao nhất. Bên cạnh đó là những dòng nhật ký, trang thư, hay cách ngôn mà ông để lại, cũng là những đoạn văn độc đáo, mang tư tưởng, chiều kích của một nhà văn vĩ đại.

     Với những gì cống hiến cho văn học thế giới, Kafka được nhiều nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng đánh giá rất cao. Những đánh giá này một phần nào đó đã nói lên giá trị văn học trong các tác phẩm của ông.

     Dù ở trong lối viết, hay cách sống, Kafka luôn thể hiện cho mọi người thấy, ông là một người kỳ dị, nhưng đó là người kỳ dị thiên tài, với lối lập luận sắc bén, thông minh, tinh tế, nhưng không phải ai cũng hiểu sâu được.

     Đời tư của Kafka khá phức tạp. Ông trải qua nhiều mối tình, nhưng đã hai lần từ hôn để cống hiến mình cho sự nghiệp viết văn. Trước khi mất vì lao phổi (năm 1924), ông đã đốt hầu hết tác phẩm của mình, đồng thời để lại di chúc yêu cầu người bạn thân Max Brod thiêu hủy mọi giấy tờ còn lại. Nhưng Max Brod, vô cùng ngưỡng mộ Kafka, đã làm trái ý nguyện này. Nhờ đó mà người đọc còn được biết đến thiên tài văn chương Franz Kafka – “thần tượng của những thần tượng”.

     Lâu đài là một trong số ít những tác phẩm còn sót lại của thiên tài kỳ dị Franz Kafka. Cũng giống như những tác phẩm khác của KafKa, các nhân vật của Lâu đài đều bị đẩy về một vùng xa xôi, nằm ngoài hoàn toàn những vết dấu của thực tế đô thành. Đây có thể gọi là vùng Kafka, do nhà văn sáng tạo nên, và mang đậm dấu ấn của sự mộng du huyền thoại.

     Lâu đài kể chuyện về K., một người đạc điền, trong một đêm khuya, dưới mưa tuyết, lặn lội đến một ngôi làng có sương mù và bóng tối bao phủ, không thể nhìn thấy ngọn đồi sừng sững và một tòa lâu đài lớn, theo giấy gọi đến làm việc. Anh xin trọ ở một quán trọ nhỏ vì không thể vào lâu đài đã đóng cửa. Người ta cho anh nằm trên một tấm dạ với lý do anh không có giấy phép ngụ cư. Khi biết anh là người được mời, người ta gọi anh tới lâu đài để xác nhận thông tin, song phía lâu đài ban đầu trả lời không, sau đó cải chính… Các chương dàn ra trong một mạch kể chuyện chậm chạp, đều đặn, kể chuyện K, chạy vạy để được những nhân viên có trách nhiệm xác nhận quyền ngụ cư hợp pháp trong làng, tìm mọi cách để tiếp cận lâu đài, nhưng dường như mọi thứ chỉ là một mơ hồ, hay một ảnh hình phản chiếu tâm trí.

     Câu chuyện kéo dài trong lê thê, mỏi mệt và vô vọng, là những cuộc kiếm tìm, truy đuổi, càng tưởng rằng đến gần lại càng lùi ra xa xôi. Cái luẩn quẩn, cái mơ hồ cứ giẫm bóng lên nhau, khiến nỗ lực của con người chất chồng lên tuyệt vọng.

     Mọi sự việc xảy ra trong Lâu đài tưởng chừng như đều vô cùng phi lý, khác hẳn hình dung thường ngày của mỗi người, nhưng xét cho cùng, đó là cái mê cung luân thường đạo lý, quy tắc đời sống mà con người buộc phải chịu đựng.

     Ở Lâu đài, cuộc vật lộn trong một hành trình diễn ra 6 ngày của K., hay rất nhiều ngày, nhiều tháng, hay cả một đời của những người dân sống trong làng đều là một cuộc vật lộn vô nghĩa. Cái mục tiêu họ muốn chinh phục, họ cũng luôn khẳng định về sự tồn tại của nó, nhưng thực ra, họ đều như nằm ở thế không tồn tại. Ấy là sự đan cài như hiện thực và hư ảo kết hợp nhuần nhuyễn để tạo nên một dạng thức trống rỗng của thế giới.

     Đến kết tác phẩm, 6 ngày của K. vẫn tiếp diễn trong vô vọng, 6 ngày có lẽ sẽ kéo dài mãi, như cuộc đời luẩn quẩn, vô nghĩa bủa vây lấy anh. Câu chuyện đời sống thường ngày kia vẫn cứ kéo dài trong biên độ ấy, của truy đuổi, kiếm tìm, và rỗng không. Cái cuối cùng là sự rỗng không. Con người vẫn hoàn toàn tay trắng trong hành trình của mình.

     Đọc Lâu đài, người đọc có lẽ sẽ liên tưởng ngay tới Chờ đợi Godot của Samuel Backet. Hai người đàn ông cùng chờ đợi một người tên Godot. Trong khoảng thời gian chờ đợi ấy, họ làm đủ mọi việc, nghĩ ra đủ mọi câu chuyện để khiến thời gian trôi đi nhanh hơn, để họ cảm thấy mình đến gần mục tiêu hơn. Cuối cùng, không có Godot nào xuất hiện, và sự chờ đợi ấy vĩnh viễn vô vọng, và những hành động của họ cũng trở nên vô nghĩa.

     Sự vô tri của con người đối với thế giới mà họ đang sống, chính là một cảnh huống quá cô độc. Rốt cuộc, họ là gì trong cuộc sống, họ làm gì trong cuộc sống, họ tìm kiếm, và chờ đợi điều gì. K. cũng như hai người đàn ông trong Chờ đợi Godot đều tưởng họ biết tất cả, nhưng rốt cuộc họ vẫn hoàn toàn xa lạ và vô tri đối với mọi điều hiện diện trong đời sống.

     Câu chuyện về vô tri và quẩn quanh kia sẽ còn kéo dài, kéo dài mãi, và cuộc sống thực ra đang dịch chuyển, càng lúc càng dịch chuyển xa phía con người. Họ thuộc về, lại không thuộc về cuộc sống.

     Bước về phía Lâu đài, và nhận ra rằng đi đến cùng trong đời sống này là sự vô tri đơn độc mà thôi.

     Tiểu thuyết Lâu đài – được Franz Kafka sáng tạo nên rồi phán quyết phải thiêu hủy – là viên ngọc bí ẩn nhất và đẹp nhất trong những tác phẩm lớn còn lại của Kafka. Huyền hoặc như một giấc mơ phi lý nhưng tột cùng chân thực, đó là những dòng sấm truyền mở đầu cho một thế kỷ 20 đầy đại họa mãi lâu sau thế giới mới biết đến, là tác phẩm lạc chân vào thì dễ mà khó lòng nắm bắt. Nhờ người kế thừa Max Brod không nỡ ném vào lửa, cùng với những di sản quý giá khác của Kafka, Lâu đài đã vĩnh viễn đặt ông lên đỉnh cao thiên tài bất tử của nền văn học thế giới.

     Ký hiệu phân loại: 8(N521)3/L125đ

     Số ĐKCB: STKVH00028; STKVH00029; STKVH00030

     Sách hiện đang được phục vụ tại thư viện trường. Kính mời Quý thầy cô giáo và các em học sinh cùng đón đọc!

Thư viện trường THPT Chuyên Thăng Long _ Đà Lạt