Giới thiệu cuốn sách: “Tà dương” của Dazai Osamu

     Dazai Osamu (1909 – 1948), có tên thật là Tsushima Shuji, là con thứ 10 trong một gia đình địa chủ thuộc ở vùng Tsugaru, tỉnh Aomori, Nhật Bản. Ông là một trong những nhân vật chủ chốt của dòng văn học “vô lại phái”, nhóm nhà văn có khuynh hướng nổi loạn và tự hủy sau chiến tranh thế giới lần thứ II.

     Văn nghiệp của Dazai Osamu không đồ sộ như nhiều nhà văn Nhật Bản khác, nhưng ông lại có những tác phẩm để đời. “Tà dương” – một tác phẩm được giới nghiên cứu văn học cả trong và ngoài Nhật Bản đánh giá cao. Cuốn tiểu thuyết đã đưa Dazai lên hàng tác gia nổi tiếng nhất đầu kế kỷ XX, góp phần khai sinh một từ ngữ mới cho tiếng Nhật vẫn còn được sử dụng đến tận ngày hôm nay: “Tà dương tộc”- dùng để chỉ sự sa sút của giai cấp thượng lưu vì một biến chuyển gấp gáp của xã hội. Sách do Hoàng Long dịch, được in trên khổ giấy 13 x 20,5 cm và do NXB Hội Nhà văn phối hợp với Phương Nam Book phát hành năm 2022.

C:\Users\USER\Downloads\eedce7b1e1c05b9e02d1.jpg

     Tác phẩm của ông mang tính phản kháng mà nhân văn, rất gần gũi với con người. Những nhân vật trong các tác phẩm của Dazai thường rơi vào bế tắc và vòng luân hồi của bất hạnh, như sự phản chiếu chính cuộc đời và tâm hồn nhà văn.

     Tác phẩm Tà dương đã bộc lộ những góc khuất và số phận bi thương của tầng lớp quý tộc sa sút tại Nhật Bản sau thế chiến. Tâm trạng con người trong buổi giao thời đầy biến động ấy được Dazai lột tả đầy tinh tế bởi chất liệu có thật từ bi kịch của cuộc đời người tình Shizuko cũng như nỗi đau của chính ông.

     Với độ dày 264 trang, Tà dương có nội dung chính xoay quanh một gia đình quý tộc đang trên bờ vực lụi tàn, chỉ còn lại người mẹ, cô con gái Kazuko và cậu con trai tên Naoji. Được xây dựng trên nhật ký của Kazuko, thư gửi Uehara và di chúc của Naoji, quyển tiểu thuyết cho ta một cái nhìn ba chiều kích về cảm nhận và sự đối mặt của con người trước hiện thực khắc nghiệt và tàn nhẫn.

     Sau chiến tranh, hai mẹ con Kazuko phải rời bỏ ngôi nhà ở khu phố Nishikata để dọn về một sơn trang hẻo lánh nơi miền quê Izu. Mặc dù phải rời bỏ cuộc sống xa hoa ngày xưa để chuyển đến một ngôi nhà đơn sơ ở vùng quê nhưng người mẹ ấy cũng không hề than vãn hay oán trách, dù cho chính bà đang phải vật lộn để làm quen với cuộc sống mới. Mong muốn của bà là có thể làm chỗ dựa cho các con, dù bên trong trái tim đã vụn vỡ từ lâu.

     Ở bà luôn ánh lên nét sang trọng mà hết sức tự nhiên, đến mức được coi như một biểu tượng mẫu mực của sự cao quý và thuần khiết. Qua lời miêu tả của Kazuko, từng cử chỉ, cách nói chuyện và biểu cảm của người mẹ đều đáng trân trọng, bởi bà thuộc về tầng lớp tinh hoa của xứ Phù Tang, một người phụ nữ quý tộc từ cốt cách lẫn tâm hồn. Người mẹ đẹp đẽ mà yếu ớt như ánh dương dần tắt là hiện thân cho tầng lớp quý tộc tinh hoa với những phẩm chất cao quý, đồng thời cũng là phản chiếu của dĩ vãng huy hoàng.

     Naoji, người em trai đi lính trở về sa đọa rượu chè nghiện ngập và cuối cùng tự sát. Naoji tượng trưng cho sự vỡ mộng của Nhật Bản sau chiến tranh, không còn tìm thấy đường sống, bắt buộc phải chết trong tự hủy. Hình ảnh người mẹ sống trong khắc khoải nhung nhớ về một thời vàng son đã qua để cuối cùng cũng chết mòn vì bệnh lao phổi.

     Kazuko tượng trưng cho sự vượt thoát lên trên hoang tàn và đổ vỡ. Sau khi người cha mất và gia đình trở nên khó khăn, Kazuko đứng lên làm trụ cột của gia đình. Không giống với người mẹ cao quý mà yếu đuối, trái ngược với cậu em trai vô vọng và bế tắc, Kazuko là một người phụ nữ luôn nuôi dưỡng lòng tin và dám hành động vì mục đích của bản thân. Mặc cho phải sống trong nghèo túng, ngày ngày làm công việc nặng nhọc vất vả, Kazuko cũng không chịu gả cho một người cô không yêu hay đi ở cho một gia đình giàu có khác. Cô luôn sống với nghị lực mạnh mẽ dù cho phải đối mặt với nhiều khó khăn trong đời.

     Cô đem lòng yêu Uehara, một nhà văn sống cuộc đời phóng đãng, một tượng trưng cho tinh thần vỡ mộng tuyệt vọng và đồi phế của tâm thức Nhật Bản. Vượt qua những định kiến đời thường, Kazuko đã quyết tâm theo đuổi tình cảm và lý tưởng của bản thân tới cùng, quyết tâm sinh một đứa con như thêm một nạn nhân mới của cuộc cách mạng, Kazuko đã trút bỏ con người cũ thuở vàng son để trở thành một con người hành động của thế kỷ mới và bước đầu hoàn thiện cuộc cách mạng đạo đức của mình.

     Bức thư cuối cùng mà Kazuko viết gửi Uehara có thể được xem như một thắng lợi của cuộc vượt thoát đầy ám ảnh và bài ca huy hoàng về nữ quyền với nhiều câu nói vang vọng:

     “Em nghĩ mình đã thắng cuộc. Cho dù Đức mẹ Maria không sinh ra đứa con của chồng mình nhưng với lòng kiêu hãnh ngời sáng, hai mẹ con họ đã trở nên thần thánh. Em điềm nhiên mà khinh thường cái thứ đạo đức cổ hủ, và mãn nguyện vì có một đứa con ngoan”

     Kazuko sau cuộc hôn nhân tan vỡ cũng quay về sống cuộc đời lay lắt như “trẻ con chơi đồ hàng” cùng với mẹ. Nhưng không thể nào chịu nổi cuộc sống tẻ nhạt đó, nàng đã đứng lên đấu tranh, làm một cuộc “cách mạng” về đạo đức. Sự vượt thoát đầy nhọc nhằn và cô độc của Kazuko cuối cùng kết thúc bằng một tia sáng le lói của bình minh đến. Một mầm hy vọng đang lớn dần trong người Kazuko, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, dù đứa bé rồi cũng sẽ chỉ trở thành một nạn nhân.

     “Dazai Osamu luôn khắc họa vẻ đẹp của người đứng một mình, xa cách bên rìa thế giới, cưu mang sâu thẳm bóng tối, vừa kinh sợ vừa cười nhạo thế gian. Như trong Tà dương, người mẹ quý tộc cuối cùng chết đi với sự cam chịu cùa thứ mỹ học truyền thống, người em Naoji đơn độc với sự cưỡng kháng vẫy vùng bỏ cuộc, người chị Kazuko với cuộc cách mạng tình yêu đơn phương, sẵn sàng bước qua ngưỡng cửa đời chỉ với hành trang là một sinh mệnh nạn nhân mới như điểm kết nối giữa chút tình cho những ngày tháng cũ và ánh le lói của ngày mai sương mù. Trong ánh tà dương của thời cuộc, sự cô độc ấy lại càng thêm đẹp đẽ và bi đát. Trên tuyệt đỉnh tàn phai…” – Dịch giả Hoàng Long

     “Tác phẩm của Dazai khiến cho người đọc quên mất tác giả là người Nhật Bản, chỉ thấy nỗi cảm động như thể chuyện của mình đang được viết ra mà thôi” – Nhà nghiên cứu Okuno Takeo

     Tác phẩm của Dazai được nhiều độc giả nữ yêu thích đến tận ngày hôm nay vì ông rất am hiểu tâm lý phụ nữ và đưa vào trong tác phẩm của mình một cách chân thành, tự nhiên. Ngoài tiểu thuyết “Tà dương”, tác phẩm có đưa vào phần phụ lục một truyện ngắn “Không ai hay biết” và bài giải thích tác phẩm của nữ nhà văn Kakuta Mitsuyo để minh chứng thêm cho điều đó.

     Bằng lối viết giản dị mà sắc sảo, Dazai Osamu đã thổi hồn vào các nhân vật trong Tà dương, tạo nên một cuốn tiểu thuyết vừa phảng phất nỗi buồn vừa âm ỉ niềm tin. Bằng chính những cảm nhận chân thực của mình, nhà văn đã khắc họa bức tranh bi kịch của một gia đình, qua đó phản ánh nỗi đau của chính bản thân và niềm tiếc nuối cho một thời vàng son đã qua không trở lại. Câu chuyện không chỉ nói về sự sa sút của một gia đình quý tộc phải sống cuộc đời thường dân mà còn tượng trưng cho tâm thức của toàn Nhật Bản sau tan hoang thời hậu chiến. Tác phẩm ra đời như một một tia sáng mang đến sự hi vọng về một tương lai mới, một sự vực dậy mạnh mẽ của đất nước Nhật Bản sau đau thương, vụn vỡ của chiến tranh.

     Ký hiệu phân loại: 8(N414)3/T100d

     Số ĐKCB: STKVH00060; STKVH00060; STKVH00060

     Cuốn sách hiện đang được trưng bày và phục vụ tại Thư viện nhà trường. Trân trọng kính mời quý thầy cô giáo và các em học sinh cùng đón đọc!

Thư viện trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt