Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một trong những trang sử hào hùng nhất, đỉnh cao chói lọi của cuộc kháng chiến chống xâm lược của quân và dân ta. Chiến thắng thể hiện sự kết tinh sức mạnh, trí tuệ, phẩm giá, bản lĩnh hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng.
Nhân kỷ niệm 59 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2025). Thư viện trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt xin giới thiệu một số sách viết về chuyên đề này đến với bạn đọc.
1. “Võ Nguyên Giáp – Một cuộc đời” của tác giả Alain Ruscio
Nội dung:
Alain Ruscio là tiến sĩ quốc gia về sử học, một chuyên gia về lịch sử hiện đại Việt Nam, từng là phóng viên thường trú của báo L, Humanité trong nhiều năm tại Việt Nam. Đã nhiều lần được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tại nhà riêng. Những cuộc trò chuyện cho phép tác giả có được một cách nhìn rất riêng về một trong những người có trách nhiệm chính đối với các sự kiện của Việt Nam trong nửa thế kỷ qua. Năm 1979, Alain Ruscio, được phái sang Hà Nội làm phóng viên thường trú giữa lúc Việt Nam đang sôi nổi chuẩn bị kỷ niệm 25 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là một dịp tốt để cho nhà báo Pháp, hơn nữa là một nhà sử học chuyên nghiên cứu về quan hệ giữa Pháp và Việt Nam, đưa ra đề nghị được phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi (25-8-1911-25-8-2011), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn Võ Nguyên Giáp – Một cuộc đời, được dịch từ cuốn “Võ Nguyên Giáp, Une vie”, Nhà xuất bản Indes Savantes, của giáo sư sử học người Pháp Alain Ruscio. Cuốn sách được biên soạn dựa trên cuộc phỏng vấn giữa giáo sư Alain Ruscio với Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ năm 1979 đến 2008.
Cuộc trò chuyện giữa ông và Đại tướng được ghi lại như một thước phim sống động về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng trong tiến trình phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trong cuốn sách, tác giả cũng đã đưa ra những suy nghĩ, đánh giá của riêng ông, của các học giả phương Tây về một số nhân vật và sự kiện có liên quan tới Cách mạng Tháng Tám, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam. Để thuận tiện cho bạn đọc khi nghiên cứu, tham khảo, cuốn sách đã giữ nguyên các luận chứng của giáo sư và coi đây là các quan điểm riêng.
Cuốn sách được dàn thành 6 tiểu mục, bao quát toàn bộ cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
– Thầy giáo dạy sử
– Người thanh niên yêu nước
– Hoạt động du kích
– Nhà lý luận chiến tranh cách mạng.
– Thực hành chiến tranh cách mạng chống Pháp.
– Thực hành chiến tranh cách mạng chống Mỹ.
Cuốn sách của Alain Ruscio sẽ là một tài liệu hết sức quý cho những ai muốn viết lại tiểu sử chính trị của Huyền thoại sống Võ Nguyên Giáp cũng như những người muốn nghiên cứu cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Việt Nam chống lại hai lực lượng xâm lược đáng sợ của thế kỷ XX là Pháp và Mỹ.
2. “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử” của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện
Nội dung:
Hồi ký “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử” của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện là một hiện thực rộng lớn gồm nhiều sự kiện, nhiều nhân vật, nhiều địa điểm, nhiều thời điểm khác nhau.
Thời gian chủ yếu được diễn tả trong tác phẩm kéo dài khoảng bảy tháng (từ đầu tháng 10/1953, tới đầu tháng 5/1954, là thời điểm chiến dịch Điện Biên Phủ của ta toàn thắng. Không gian trong tác phẩm tập trung vào các chiến trường trên toàn cõi Việt Nam, đặc biệt là khu Tây Bắc, Bắc Bộ với điểm nóng tột độ là Điện Biên Phủ.
Những hình ảnh, tư liệu quý, có ý nghĩa về mặt lịch sử thể hiện quá trình đấu tranh trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao của quân và dân ta từ Cách mạng Tháng Tám thành công, sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, toàn quốc kháng chiến…, đến Điện Biên Phủ – điểm hẹn lịch sử trong chặng đường 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã trải qua các chiến dịch như: Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947, Chiến dịch Biên giới 1950, Chiến dịch Trần Hưng Đạo, Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Chiến dịch Quang Trung, Chiến dịch Hòa Bình, Chiến dịch Tây Bắc 1952, Chiến cuộc Đông Xuân năm 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cuốn sách này đã được ghi lại bằng hình ảnh những chiến dịch làm nên chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, trong đó Chiến dịch Điện Biên Phủ được khắc họa rõ nét, cũng là những nội dung nổi bật nhất. Cuốn sách còn khẳng định sự phối hợp chiến đấu trên các chiến trường ở Đông Dương chia lửa với Chiến dịch Điện Biên Phủ đã dẫn tới thắng lợi cuối cùng là việc ký kết Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Với việc chắt lọc những khoảnh khắc giá trị nhất, được sắp xếp theo một trình tự lịch sử khoa học, hợp lý; có thể xem đây là cuốn sách lịch sử bằng ảnh giúp độc giả hiểu được một chặng đường lịch sử vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh. Cuốn sách sẽ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, đồng thời là tài liệu tham khảo đáng tin cậy đối với bạn đọc trong và ngoài nước.
Qua sự thể hiện của nhà văn Hữu Mai, Hồi ức đã tái hiện lại những ngày tháng oanh liệt của quân và dân ta trong chiến dịch lịch sử đó. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định “Điện Biên Phủ là điểm hẹn mà lịch sử dành cho những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay”. Hồi ức “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử” sẽ nhắc chúng ta nhớ về những ngày tháng gian khổ mà hào hùng ngày ấy; từ đó giúp chúng ta thêm yêu, thêm tự hào về đất nước mình, dân tộc mình.
3. “Điện Biên Phủ 170 ngày đêm bị vây hãm” của tác giả Erwan Bergot
Nội dung:
Cho tới nay, nhân dân ta vẫn quen với khái niệm chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài 56 ngày đêm, kể từ khi ta bắt đầu nổ súng tiến công tập đoàn cứ điểm của Pháp vào ngày 13 tháng 3 năm 1954, và kết thúc vào ngày 7 tháng 5 năm 1954 khi toàn bộ các lực lượng Pháp ở đây buông súng đầu hàng. Tuy nhiên, đối với quân đội viễn chinh Pháp thì Điện Biên Phủ là một cơn ác mộng kéo dài, kể từ ngày 20 tháng 11 năm 1953 là khi mới bắt đầu nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh đã lập tức bị bộ đội và nhân dân địa phương đón đánh, tiếp đó là gần nửa năm bị vây hãm, bị tập kích, phục kích mà đỉnh cao là những trận đánh liên tục kéo dài từ ngày 13 tháng 3 đến 7 tháng 5 và hoàn toàn kết thúc vào ngày 8 tháng 5 khi những đơn vị đóng tại Hồng Cúm thuộc phân khu phía Nam định tháo chạy sang Lào nhưng đã bị chặn đánh và tiêu diệt hết, tổng cộng là 170 ngày tất cả. Chính vì những lẽ đó nên Erwan Bergot, một trung úy có mặt tại Điện Biên Phủ từ những ngày đầu đã trải qua gần sáu tháng sống trong cảnh căng thẳng, hãi hùng, khốn đốn tại Điện Biên Phủ, cuối cùng bị bắt làm tù binh rồi được phóng thích, đã viết cuốn sách này và được Nhà xuất bản Presses de la Cité ở Paris, Phap, xuất bản năm 1979, sau đó được nhiều lần tái bản. Theo giới thiệu của Nhà xuất bản Presses de la Cité, Erwan Bergot đã bỏ ra nhiều năm sưu tầm tài liệu, gặp gỡ các bạn chiến đấu cũ, ghi lại “nhiều chứng cứ của những người còn sống sót để dựng lại một bức tranh sinh động và bi thảm trải dài suốt 170 ngày đêm, từ việc xây dựng tập đoàn cứ điểm, tổ chức các vị trí phòng ngự đến các trận đánh, nhưng trước hết là tinh thần, tình cảm của những người lính chiến đấu. Chính họ là những nhân chứng không thể bác bỏ. Họ là những người đứng ở vị trí hàng đầu”. Bản dịch tiếng Việt được thể hiện bởi dịch giả Lê Kim, người cũng từng là một chiến sĩ Điện Biên chiến đấu trong sư đoàn 308 năm xưa.
4. Dien Bien Phu: the epic battle America forgot (History of war)
Nội dung:
Trận đánh Điện Biên Phủ, trong đó cộng sản lãnh đạo các lực lượng Việt Minh đã đè bẹp các đơn vị của quân đội thuộc địa Pháp ở Đông Dương, sánh vai với các trận Agincourt, Waterloo và Gettysburg là một trong những trận giao tranh quân sự vĩ đại trong lịch sử. Điều đó đồng nghĩa với việc kết thúc chế độ thực dân đổ nát của Pháp ở châu Á và cũng là khi không ai thấy trước được khả năng dọn đường cho sự can thiệp của quân Mỹ vào khu vực này nhiều năm sau đó. Vì thế đó là một giai đoạn quan trọng gián tiếp mở màn cho một tiến trình đã gây ra cho Mỹ những hậu quả sâu sắc và kéo dài.
Cuộc chiến bắt đầu vào tháng 11 năm 1953, khi lính dù Pháp chiếm một đường băng nhỏ ở tây bắc Việt Nam. Cuộc chiến kết thúc vào tháng 5 năm 1954 khi hàng chục nghìn quân Việt Minh tràn vào đồn trú bị bao vây. Một phần ba trong số 15.000 người bảo vệ đã tử trận; chưa đến một trăm người trốn thoát vào rừng. Hàng nghìn người khác đã tử trận trong cảnh bị giam cầm.
Điện Biên Phủ được công nhận là một trong những trận chiến vĩ đại trong lịch sử và là bước ngoặt đối với chính sách của Hoa Kỳ: thất bại của Pháp đã dẫn đến cam kết định mệnh của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Trớ trêu thay, quân đội Hoa Kỳ đã lặp lại nhiều sai lầm của Pháp. Người Mỹ Howard R. Simpson đã có mặt ở đó với tư cách là một phóng viên chiến trường và nhiếp ảnh gia. Câu chuyện của ông là một câu chuyện cá nhân – của một người đàn ông đã chia sẻ bữa ăn, rượu vang và nguy hiểm với những người lính đã khuất. Là một chuyên gia quốc phòng, Simpson có đủ điều kiện độc nhất để kể câu chuyện đầy kịch tính về cuộc chiến cuối cùng nổi tiếng này. Được hỗ trợ bởi các cuộc phỏng vấn với hàng chục người sống sót từ cả hai phía – bao gồm cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp chiến thắng – cuốn sách của ông sẽ được xếp hạng ngang hàng với tác phẩm bán chạy nhất của Bernard Fall Hell in a Very Small Place như một tác phẩm kinh điển về một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với Hoa Kỳ cũng như đối với Pháp. Điện Biên Phủ được xuất bản vào đúng ngày kỷ niệm bốn mươi năm ngày Pháp thất bại và có chứa những bức ảnh chiến đấu hiếm hoi của tác giả và Quân đoàn Ngoại giao Pháp.
5. “Điện Biên Phủ từ góc nhìn của người lính Pháp” của tác giả Roger Bruge
Nội dung:
Cuốn sách “Điện Biên Phủ từ góc nhìn của người lính Pháp” của tác giả Roger Bruge mô tả những trải nghiệm của một người lính Pháp tham gia vào trận đánh Điện Biên Phủ từ góc nhìn chủ quan của một người trực tiếp tham chiến.
Roger Bruge sinh năm 1931 tại Pháp, là một sĩ quan pháo binh thuộc đơn vị Pháp được triển khai đến chiến trường Điện Biên Phủ từ tháng 12/1953. Trong cuốn sách, tác giả đã mô tả chi tiết quá trình chuẩn bị, di chuyển và tham gia trực tiếp vào các trận đánh tại Điện Biên Phủ trong suốt 54 ngày đêm.
Cụ thể, tác giả đã miêu tả quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng khi đơn vị của mình được lệnh triển khai đến Điện Biên Phủ từ Pháp. Sau khi được trang bị vũ khí, đạn dược và lương thực, đơn vị của Bruge đã di chuyển bằng đường không từ Pháp sang Đông Dương trong suốt 4 ngày đêm. Khi đến Điện Biên Phủ, Bruge và đồng đội đã kinh hoàng khi chứng kiến cảnh tượng chiến trường hoang tàn sau những trận không kích của quân Việt Minh.
Sau khi tham gia bố trí lại các vị trí phòng thủ, Bruge và đơn vị pháo binh của mình đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong các trận đánh lớn như trận Đồi Độc Lập, trận Đồi Cát Chỉ và trận đánh cuối cùng nhằm giữ vững căn cứ Điện Biên Phủ. Trong suốt quá trình chiến đấu, Bruge đã miêu tả chi tiết về các hoạt động pháo kích, bắn phá của đơn vị mình nhằm hỗ trợ bộ binh Pháp chống trả quyết liệt cuộc tấn công của quân Việt Minh.
Đặc biệt, Bruge cũng đề cập đến tâm lý sợ hãi, lo lắng của bản thân và đồng đội khi phải chiến đấu suốt ngày đêm dưới hỏa lực pháo binh của đối phương. Họ luôn phải sống trong nỗi lo sợ về cái chết bất cứ lúc nào bởi bom đạn. Cuối cùng, khi quân Pháp bị đánh bại hoàn toàn, Bruge đã cùng đơn vị mình tham gia cuộc rút lui vô cùng khó khăn ra khỏi Điện Biên Phủ. Sau khi được sơ tán bằng đường không, Bruge mới nhận thức rõ hơn về mức độ thảm hại của thất bại này đối với quân đội Pháp tại Đông Dương.
Bằng ngôn ngữ đơn giản nhưng truyền cảm, cuốn sách đã thể hiện được cung bậc cảm xúc của một người lính Pháp trong suốt quá trình tham chiến tại Điện Biên Phủ: từ sự hào hứng ban đầu khi nhận nhiệm vụ, cho đến nỗi sợ hãi và lo lắng trước mối đe dọa của cái chết khi chiến đấu, rồi cuối cùng là sự thất vọng trước thất bại nặng nề của quân đội Pháp. Đây là một góc nhìn quan trọng để hiểu thêm về những gì diễn ra trong trận đánh Điện Biên Phủ lịch sử từ phía người lính Pháp tham chiến trực tiếp. Cuốn sách đã để lại dấu ấn sâu đậm với độc giả qua lời kể chân thực, trung thực của một người chứng kiến.
6. “Điện Biên Phủ – một góc địa ngục” của tác giả Bernard B.Fall
Nội dung:
Một trong những cuốn sách có uy tín nhất về chiến dịch Điện Biên Phủ trên thế giới là của một phóng viên chiến trường kiêm nhà sử học “liên hợp quốc”, Bernard B.Fall. Đó là cuốn Hell In A Very Small Place: The Siege Of Dien Bien Phu (1966), được dịch ra tiếng Việt với tên Điện Biên Phủ, một góc địa ngục (2004), NXB Công an nhân dân.
Gọi là “Liên Hợp Quốc” vì Fall là người Áo, gia đình từng là nạn nhân của Đức quốc xã, bản thân ông từng sinh sống ở Pháp rồi định cư tại Mỹ. Trong sự nghiệp báo chí và nghiên cứu lịch sử, ông được coi là chuyên gia về Đông Dương, là tác giả không thể không đọc đối với công chúng nước ngoài về đề tài Việt Nam.
Tóm lại, vừa là một nhân vật có tính quốc tế, vừa viết về Điện Biên Phủ từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu lịch sử, người quan sát thời cuộc chứ không phải người trong cuộc, Fall có lợi thế khách quan hơn so với nhiều tác giả nước ngoài khác khi viết về Điện Biên Phủ.
Năm 1962, khi được giao đề tài về chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Fall bắt tay vào tìm kiếm tư liệu. Ông yêu cầu các nhà chức trách Pháp cho ông tham khảo những tài liệu chính thống, tiếp xúc với những người lính còn sống sót. Lính Pháp thì còn vô khối và là một kho tư liệu khổng lồ. Nhưng ông “hết sức ngạc nhiên” khi nhận ra không ai quan tâm thu lượm lời kể của những đối tượng không phải là người Pháp: lính Lê dương, lính Bắc Phi và lính Việt Nam, những người hợp thành 70% lực lượng góp mặt trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó, Cộng hòa Algérie cho phép Fall tiếp xúc với những binh lính của nước này từng chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Nhưng vẫn còn một mảng khuyết lớn: góc nhìn Việt Nam.
Cùng năm 1962, Fall đến miền Bắc Việt Nam, nơi ông kể lại là “tôi không gặp một khó khăn nào để tiếp xúc được với những con người kiêu hãnh kể lại chiến thắng của họ”. Ông viết: “Dễ dàng nhận ra họ ở huy hiệu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn cho họ: cái huy hiệu ấy họ đeo cả khi ăn mặc thường dân. Thành thử hóa ra người lái xe cho tôi đã từng là xạ thủ đại liên ở Điện Biên Phủ”. Qua giọng kể thấy rõ Fall giữ thái độ bạn bè, không thù địch với các nguồn tin. Một kho tư liệu khổng lồ đầy hấp dẫn nhưng cũng đủ phức tạp để làm nản lòng bất cứ người viết non tay nào.
Fall không chọn cách dựng lại câu chuyện tổng thể từ tất cả tư liệu mà ông tập hợp được. Ông ghi lại tất cả dưới dạng lời kể trực tiếp và thừa nhận đó là những câu chuyện chỉ được bản thân người kể xác nhận, ngoài ra không có cách nào chứng nhận có hoàn toàn là sự thật lịch sử hay không. Cuốn sách khi ra đời được đánh giá là một trong những tác phẩm tư liệu phổ biến nhất trên thế giới về chiến dịch Điện Biên Phủ, với một cái tên ấn tượng, nếu dịch đầy đủ là Cuộc bao vây Điện Biên Phủ – Một góc nhỏ của địa ngục. Fall khẳng định lập trường của mình rõ ràng ngay từ đầu sách: Ông nói với nhà chức trách Pháp rằng “chuyện kể lại chính xác một cách khoa học những gì đã diễn ra ở Điện Biên Phủ sẽ không là sự ca ngợi các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Pháp ở Viễn Đông”. Rất sòng phẳng.
7. “Máy bay Mỹ trên vùng trời Điện Biên Phủ” của tác giả Marc Bertin
Nội dung:
Packet sur Diên Biên Phu – La vie quotidienne d’un pilote de transport (Máy bay Packet trên vùng trời Điện Biên Phủ – Cuộc sống hàng ngày của một phi công lái máy bay vận tải) là tên cuốn hồi ký của đại tá không quân Pháp Marc Bertin, được xuất bản năm 1991.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Marc Bertin là trung úy phi công, lái máy bay vận tải hạng nặng C119 do Mỹ chế tạo, làm nhiệm vụ thả dù và chở hàng tiếp tế cho quân đội viễn chinh Pháp đóng tại thung lũng lòng chảo Điện Biên Phủ, từ ngày 20 tháng 11 năm 1953 là khi Pháp bắt đầu nhảy dù chiếm đóng cánh đồng Mường Thanh cho tới ngày 7 tháng 5 năm 1954 khi quân Pháp ở đây hoàn toàn thất bại.
Sau khi nghỉ hưu, Marc Bertin đã dành thời gian hồi tưởng lại những kỷ niệm cũ trên chiến trường Việt Nam và viết cuốn sách nhằm tưởng nhớ tới “15.148 chiến binh Pháp đã chiến đấu trong hỏa ngục Điện Biên Phủ”, tưởng nhớ tới “đại tá không quân Soulat, đội trưởng đội máy bay C119”, tưởng nhớ tới “các nhân viên phi hành đã tận tụy hỗ trợ cho các hoạt động”, đồng thời còn để “tặng cho người vợ là nguồn an ủi, động viên” và tặng các con “để chúng thêm hiểu biết”.
Trong lời đề tựa, đại tướng không quân Pháp Francois Maurin, Chủ tịch Hội cựu chiến binh không quân vận tải pháp nhận xét đây là một cuốn sách được viết bằng ngồi bút giản dị và khách quan của một nhân chứng lịch sử. Truyện kể của ông là một trong những dẫn chứng về sự tham gia của không quân ở Điện Biên Phủ, cho tới nay vẫn hiếm được công bố.
Do đầu đề cuốn sách quá dài, bản dịch tiếng Việt thu gọn lại trong tên sách: “Máy bay Mỹ trên vùng trời Điện Biên Phủ”.
8. “Tướng Navarre với trận Điện Biên Phủ” của tác giả Jean Pouget
Nội dung:
Cách đây 50 năm, nhân dân và các lực lượng vũ trang của chúng ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự chỉ huy trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giành được những thắng lợi quan trọng tại Điện Biên Phủ. Thắng lợi này đã chấm dứt ách thống trị hàng thế kỷ của thực dân Pháp, mở ra kỷ nguyên mới trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa thực dân cũ và mới ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.
Thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ gắn liền với số phận bất hạnh và sự kết thúc của sự nghiệp của Đại tướng Pháp Henri Navarre. Ông Navarre đã được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Pháp ở Đông Dương vào đầu tháng 5 năm 1953 và chỉ một năm sau, ông đã chứng kiến thất bại lớn nhất trong sự nghiệp của mình tại Điện Biên Phủ.
Sau đó, ông Navarre đã liên tục xuất bản ba cuốn sách mang tính chất hồi ký về Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, tất cả những cuốn sách này, mặc dù cung cấp nhiều tài liệu quý giá, nhưng đều mang tính chất biện bạch, bào chữa. Ngay cả cuốn cuối cùng, mang tựa đề “Thời Điểm của Sự Thật”, được xuất bản vào năm 1979, sau khi ông nghỉ hưu và viết trong hoàn cảnh không bị gò bó, vẫn bị nhiều nhà phê bình đánh giá là “chưa nói hết và chưa nói đúng sự thật”.
Trong khi đó, đại úy Jean Pouget, sau này được thăng cấp lên thiếu tá và trở thành sĩ quan tùy tùng kiêm thư ký riêng của tướng Henri Navarre sau khi chiến dịch tại Điện Biên Phủ kết thúc. Ông Pouget đã dành hàng chục năm để sưu tầm tài liệu, gặp gỡ nhân chứng, và tổ chức lại những kí ức, hoàn thiện cuốn sách “Nous étions à Diên Biên Phu”, xuất bản bởi nhà xuất bản Presses de la Cité – Paris vào năm 1964. Cuốn sách này đã được dư luận đánh giá cao.
Trong lần xuất bản đầu tiên, nhà xuất bản Presses de la Cité đã tôn trọng giới thiệu: “Thiếu tá Jean Pouget, người đã trải qua những giây phút căng thẳng nhất của cuộc chiến tranh Đông Dương, từ trụ sở của Tổng tư lệnh đến điểm giao cắt của trận chiến, đã trình bày một cách chi tiết và sâu sắc nhất vấn đề mà cho đến nay chưa có cuốn sách nào thể hiện được như vậy. Nhiều bài báo đã nhận xét: Jean Pouget không chỉ trình bày những gì tướng Navarre công bố công khai mà còn tiết lộ những gì tướng Navarre viết trong các báo cáo mật và những lời thoại riêng tư, do đó đã cung cấp cho người đọc nhiều thông tin hữu ích về Điện Biên Phủ.”
9. Võ Nguyên Giáp của tác giả Georges Boudarel
Nội dung:
Cuốn sách Georges Boudarel viết từ năm 1977, được giới sử học Pháp đánh giá là một trong những tác phẩm giá trị nhất về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã đến tay độc giả VN.
Cuốn sách có tên nguyên bản tiếng Pháp là “Giap” và được ra mắt tại Việt Nam với tiêu đề “Võ Nguyên Giáp”. Tác giả Georges Boudarel, bằng những hiểu biết sâu sắc về cuộc đời, con người vị tướng tài ba, đã khắc họa sinh động và rõ nét chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ khi còn là một cậu bé cho tới khi trở thành vị chỉ huy của quân đội Việt Nam.
Khác với nhiều cuốn sách của các học giả nước ngoài từng viết về tướng Giáp, ngoài việc nói về chiến tích của ông, sách còn có những chi tiết rất thú vị cho chúng ta biết về con người Đại tướng, về âm mưu của thực dân Pháp có ý định mua chuộc cậu học sinh trung học Võ Nguyên Giáp nhưng thất bại. Cuốn sách cũng làm rõ và tìm ra sự thật những hiểu lầm về Đại tướng bằng những tài liệu phong phú và xác thực.
Sở dĩ cuốn sách có được sự khác biệt bởi tác giả – Georges Boudarel – là một người đặc biệt. Ông là một người Pháp nhưng lại đứng trong hàng ngũ của cách mạng Việt Nam chiến đấu chống lại nước Pháp thực dân. Ông cũng là nhà nghiên cứu về đất nước, con người Việt Nam có tên tuổi.
Cuốn “Võ Nguyên Giáp” – một phần trong luận án tiến sĩ của Georges Boudarel – được thực hiện nhờ vốn tiếng Việt thành thạo và sự dày công tham khảo nhiều tư liệu chính thống của Việt Nam kết hợp với nhiều nguồn sách báo nước ngoài.
Nhà sử học Dương Trung Quốc giới thiệu về cuốn sách: “Đó không chỉ là một cuốn tiểu sử, đó là một pho sử mà tên tuổi ‘Giáp’ đã gắn bó, cống hiến và để lại những dấu ấn rất đậm nét xuyên suốt toàn bộ lịch sử hiện đại Việt Nam, lịch sử Giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa thực dân trong cương vị của vị Tổng tư lệnh – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gắn với huyền thoại từ Điện Biên Phủ (1954) cho đến Điện Biên Phủ trên không (1972) rồi Chiến dịch mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (1975)”.
Sách do Nhà xuất bản Thế giới và Công ty sách Thaihabooks phối hợp xuất bản hôm 12/12 để chào mừng ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12) và mừng tuổi 102 của Đại tướng.
10. Hồi ức “Chiến đấu trong vòng vây” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, do Hữu Mai thể hiện
Nội dung:
Ấn phẩm “Chiến đấu trong vòng vây” là cuốn hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, do Hữu Mai thể hiện, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân – Thanh niên ấn hành năm 1995 ghi dấu một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Có thể nói trong các trước tác của mình “Chiến đấu trong vòng vây” là một tác phẩm đặc sắc của đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sách gồm 10 chương, dày 440 trang như một bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến đấu của quân và dân ta từ sau ngày tuyên bố độc lập đến cuối 1950.
Tác giả dành 22 trang cho phần mở đầu và 30 trang phần cuối mang tính phân tích sự kiện ra đi tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và rút ra những bài học quý giá từ 5 năm chiến đấu trong vòng vây.
Sự hấp dẫn của cuốn sách là ở việc lý giải: Bằng cách nào một quân đội non trẻ mới một năm sau thành lập đã phải đương đầu với một kẻ thù mạnh hơn rất nhiều lần, bị bao vây tứ bề, đơn phương chiến đấu lại từng bước chiến thắng tạo tiền đề vững chắc cho những năm sau, tiến tới chiến thắng huy hoàng ở chiến dịch Điện Biên Phủ.
“Chiến đấu trong vòng vây” là cuốn sách của đa thanh, đa phong cách. Trước hết đó là cuốn sách viết về quân sự, song ta lại thấy một nhãn quan chính trị sắc bén, có thể nói là sự hòa quyện giữa quân sự và chính trị.
Cuốn sách được tác giả đặt tên thể loại là hồi ức cũng là xác đáng bởi không gian, thời gian quá rộng, quá nhiều tình tiết sự kiện không thể đi chi tiết được. Song vẫn có hơi hướng của hồi ký và chính nhờ có sự pha trộn này đã làm cho tác phẩm trở nên sinh động.
Những trang viết về sinh hoạt văn nghệ ở chiến khu, về bữa cơm đạm bạc tại nhà Bác Hồ hay buổi phong tướng… đều để lại ấn tượng khó quên đối với mỗi người đọc.
Tập Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ nhắc chúng ta nhớ về những ngày tháng gian khổ mà hào hùng ngày ấy. Chúng ta tự hào về lịch sử của dân tộc, tự hào vì chính trong khói lửa và nước mắt đã sản sinh ra một thế hệ mới: Thế hệ Hồ Chí Minh. Thế hệ đó đã đảm đương nhiệm vụ làm người chiến sĩ xung kích chiến đấu cho một kỷ nguyên mới của đất nước, của loài người: kỷ nguyên của độc lập, tự do của chủ nghĩa xã hội. Thế hệ đó đang tiếp tục đi lên theo tiếng gọi của Người.
11. Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Nội dung:
“Điện Biên Phủ” là cuốn sách tổng hợp các bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tập trung luận bàn về các vấn đề xoay quanh chiến thắng Điện Biên Phủ và cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Mặc dù tất cả các bài viết đều có cùng một góc nhìn của tác giả, tuy nhiên lại được thực hiện tại nhiều hoàn cảnh, nhiều thời điểm khác nhau. Do đó, mỗi tác phẩm đều có những nét đặc trưng riêng, và càng về sau thì càng được nghiên cứu, bổ sung đầy đủ và sâu sắc hơn.
Cụ thể, vào năm 1958, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết Điện Biên Phủ, trong đó nêu bật các kinh nghiệm chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta như vấn đề chỉ đạo chiến lược, vấn đề chỉ đạo chiến dịch, mấy vấn đề chiến thuật, tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân đội, tinh thần phục vụ tiền tuyến của nhân dân. Vào năm 1964, trên cơ sở của bài Điện Biên Phủ năm 1958, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bổ sung, phân tích hình thái cuộc kháng chiến của ta vào mùa hè năm 1953, vạch rõ âm mưu thâm độc của thực dân Pháp, trình bày những chủ trương vô cùng sáng suốt của Đảng ta, nhắc lại tình hình chiến sự và nêu bật ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng, của các chiến thắng trong chiến cuộc Đông Xuân nói chung. Cho tới năm 1979, cuốn sách Điện Biên Phủ được xuất bản, Đại tướng tiếp tục trình bày những lập luận rõ ràng, những lời bình sâu sắc và suy nghĩ rút ra từ cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ – những suy nghĩ sau 25 năm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ.
Kể từ bản Điện Biên Phủ đầu tiên năm 1958, cho đến năm 2004 khi Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật lần đầu tiên sưu tầm, tổng hợp và xuất bản những bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Điện Biên Phủ, đã có 7 lần tác giả bổ sung bài viết, các nghiên cứu để hoàn thiện cuốn Điện Biên Phủ đầy đủ, sâu sắc, giá trị như hiện tại.
Nội dung cuốn sách gồm ba phần. Trong đó, phần thứ nhất “Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi mặt trận Điện Biên Phủ”, gồm sáu bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ. Người khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc… đã đoàn kết, dũng cảm phục vụ chiến đấu và chiến đấu trong trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta.
Phần thứ hai “Điện Biên Phủ”, trình bày diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ và phân tích, luận giải sâu sắc của tác giả về sự kiện lịch sử vĩ đại này. Tác giả đã phân tích hình thái cuộc kháng chiến của ta vào mùa hè năm 1953, vạch rõ âm mưu thâm độc của thực dân Pháp, trình bày những chủ trương vô cùng sáng suốt của Đảng ta, nhắc lại diễn biến của tình hình chiến sự, nêu rõ ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ và của các chiến thắng Đông Xuân nói chung.
Phần thứ ba “Các bài viết về Điện Biên Phủ”, gồm những bài viết, bài trả lời phỏng vấn… của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Chiến thắng Điện Biên Phủ, như: Nhận định về ý nghĩa của chiến dịch Điện Biên Phủ; Bài học thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ; Trả lời phỏng vấn của tuần báo “Cách mạng châu Phi” nhân kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5 năm 1963); Quyết định khó khăn nhất…
Ngoài ra còn có phần Phụ lục, cung cấp một số nhật lệnh, thư, lệnh động viên, mệnh lệnh tiến công, báo cáo, lịch diễn biến những sự kiện chính của Chiến dịch Điện Biên Phủ…
12. Điện Biên Phủ – Một thiên sử vàng
Nội dung:
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu, quân Pháp quay lại nổ súng gây chiến tại Nam Bộ với quyết tâm cướp nước ta một lần nữa, buộc nhân dân ta phải đứng lên chiến đấu bảo vệ nền độc lập. Đến cuối năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam đã bước sang năm thứ 8. Trên khắp các chiến trường, quân đội Việt Nam dồn dập phản công quyết liệt, buộc đối phương phải phân tán lực lượng, bị động đối phó.
Nhận rõ ý đồ chiến lược của Việt Nam, Bộ chỉ huy quân đội Pháp ra sức tập trung quân, xây dựng lòng chảo Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, nhằm thu hút chủ lực của quân đội Việt Nam vào cuộc chiến.
Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam nhận định, đây là thời cơ để tiêu diệt sinh lực địch. Bộ chỉ huy Quân đội Việt Nam quyết định mở chiến dịch tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.
Ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Sau 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ, tới ngày 7/5/1954, ta đã hoàn toàn chiến thắng. Từ đây, Điện Biên trở thành một địa danh chói sáng, một bản hùng ca vẻ vang và oanh liệt của dân tộc Việt Nam.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược, là tác nhân quan trọng đưa đến việc ký Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 21/7/1954, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ cổ vũ nhân dân Việt Nam mà còn là khâu đột phá mở đầu, cổ vũ các dân tộc ở các nước thuộc địa trên thế giới đứng lên giành độc lập.
Nhằm tích cực phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ, cung cấp cho độc giả những thông tin mang tính khách quan và chân thực, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã tổ chức biên soạn sách “Điện Biên Phủ – Một thiên sử vàng”. Hàng trăm tài liệu, hình ảnh được chọn lọc từ các phông Phủ Thủ tướng, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Nha Giao thông, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu III, … đã phản ánh cụ thể và sinh động sự lãnh đạo tài tình, những quyết sách chiến lược nhạy bén của Đảng, của Chính phủ và Quân đội Nhân dân Việt Nam, những năm tháng chiến đấu, hy sinh oanh liệt, hào hùng của hàng nghìn chiến sĩ, hàng vạn dân công cũng như sự đóng góp vô cùng to lớn của nhân dân cho chiến dịch Điện Biên Phủ nói chung.
Công bố giới thiệu những tài liệu này, Ban Biên soạn sách “Điện Biên Phủ – Một thiên sử vàng” hi vọng sẽ đem đến cho bạn đọc những thông tin về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, về Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng những số liệu cụ thể, những báo cáo chi tiết, những hình ảnh chân thực. Cuốn sách có độ dài gần 500 trang, bố cục thành 2 phần. Phần 1: Tài liệu lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Phần này gồm những tài liệu liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp tới việc chuẩn bị và tổ chức Chiến dịch. Phần 2: Chiến dịch Điện biên Phủ – Diễn biến và kết quả, gồm những tài liệu, hình ảnh một số sự kiện theo diễn biến Chiến dịch, những kết quả trong và sau Chiến dịch mà ta thu được.
13. Hồi ức “Đường tới Điện Biên Phủ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Nội dung:
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà chỉ huy và nhà lý luận quân sự xuất sắc, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng trao quyền trực tiếp chỉ huy lực lượng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đánh bại đội quân nhà nghề của thực dân Pháp, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
“Đường tới Điện Biên Phủ” – một tác phẩm hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhà văn Hữu Mai ghi chép lại – không chỉ là một bản tường thuật lịch sử khô cứng về chiến dịch Điện Biên Phủ, mà còn là một bức tranh sống động, đầy cảm xúc về con đường gian nan, hào hùng mà quân và dân ta đã trải qua để giành thắng lợi vẻ vang.
Tác phẩm được NXB Quân đội nhân dân ấn hành năm 2001, với độ dày 379 trang, được tác giả trình bày thành 12 chương như: Vận hội mới; Điểm đột phá; Giải phóng biên giới; Đảng lao động Việt Nam; Xuống Trung du; Về đồng bằng; Mùa hè năm 1951; Câu hỏi lớn; Chiến dịch Hòa Bình; Hai mặt trận; Chuyển hướng lên Tây Bắc; Mùa Xuân Sầm Nưa.
Hồi ức được nhà văn Hữu Mai thể hiện giàu tính văn học, dưới sự vận động bề mặt sôi sục của sự kiện và sự vận động sâu sa, trầm lắng của con người. Sự đan xen liên tục những con người lịch sử cả phía ta và phía đối phương, những gương mặt người chỉ huy và người lính, những tâm trạng lo âu, những suy tư và mưu lược của cấp lãnh đạo và những sáng tạo của quần chúng, những cuộc đấu trí giữa ta và địch đặt trong bối cảnh lịch sử trong nước và thế giới.
Tác giả không chỉ miêu tả chính xác các chiến dịch quân sự, các trận đánh khốc liệt, sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chiến lược, chiến thuật của quân đội ta, mà còn khắc họa rõ nét hình ảnh người chỉ huy tài ba, mưu lược, giàu lòng yêu nước, hết lòng vì dân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Không chỉ là những con số, những bản đồ chiến trường, “Đường tới Điện Biên Phủ” còn là những câu chuyện cảm động về tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, lòng dũng cảm của các chiến sĩ, sự hy sinh thầm lặng của hậu phương.
“Đường tới Điện Biên Phủ” là một cuốn sách đáng đọc, đặc biệt là đối với những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Nó không chỉ cung cấp kiến thức lịch sử chính xác mà còn khơi gợi lòng tự hào dân tộc, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và niềm tin vào sức mạnh của dân tộc. Đây là một tác phẩm xứng đáng có mặt trong tủ sách của mỗi người Việt Nam.
14. “Chiến thắng bằng mọi giá – Thiên tài quân sự Việt Nam Đại tướng Võ Nguyên Giáp” của tác giả Cecil B. Currey
Nội dung:
Có thể nói Chiến thắng bằng mọi giá là một trong những cuốn sách đầy đủ, chi tiết nhất viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của người nước ngoài. Cecil B. Currey – một sử gia quân sự – đã giúp người Việt Nam chúng ta làm một công việc cần thiết và vô cùng đáng trân trọng: đó là khiến thế giới hiểu về lịch sử – truyền thống Việt Nam, hiểu về đất nước – con người Việt Nam, hiểu về vị tướng lĩnh tài ba của Việt Nam – Đại tướng Võ Nguyên Giáp – mà theo đánh giá của ông là “thiên tài quân sự vĩ đại nhất thế kỷ XX và là một trong những vĩ nhân của mọi thời đại”.
Ngay trong Lời mở đầu cuốn sách, Currey đã khẳng định một cách chắc chắn: “Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông vạch ra chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật quân sự đã giúp đất nước ông chiến thắng những kẻ thù mạnh nhất. Nghiên cứu những hoàn cảnh, yếu tố nào đã giúp ông bộc lộ, phát triển tài năng hiếm có ấy chính là chủ đề của cuốn sách này.” Dù tác giả đã nói trước với độc giả như vậy, nhưng khi đọc cuốn sách chúng ta lại thấy nội dung cuốn sách đã làm được nhiều hơn những gì tác giả mong đợi. Ngoài việc khắc họa, làm nổi bật những sự kiện lịch sử tiêu biểu, những bước ngoặt trong cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Currey đã có những phân tích khá sắc sảo, thấu đáo để trả lời cho câu hỏi: Tại sao Võ Nguyên Giáp lại trở thành một thiên tài quân sự của thế kỷ XX? Tác giả đã phân tích, mổ xẻ theo nhiều quan điểm, nhiều đánh giá khác nhau, từ những người trong cuộc đến những người ngoài cuộc, từ những người thân, những người “cùng tuyến” đến những người đối đầu, “khác tuyến” với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Currey đã thẳng thắn phân tích những thất bại trong cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và tất cả những điều đó để cuối cùng, Currey đi đến sự đánh giá về người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam: “Những thử thách mà Tướng Giáp phải vượt qua đã khiến ông trở thành bậc thầy chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật quân sự… Tướng Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân…”
Tên sách là “Chiến thắng bằng mọi giá”, nhưng không có nghĩa là cố gắng giành thắng lợi bằng bất cứ giá nào, mà phải chiến thắng bằng sự khéo léo, khôn ngoan nhất, chiến thắng với sự hy sinh, tổn hại ít nhất. Đó cũng chính là nghệ thuật quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bởi trước hết và trên hết ông là “một vị Tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc giọt máu của mỗi chiến binh” (trích lời của Thượng tướng Trần Văn Trà).
Trong cuốn Chiến thắng bằng mọi giá, độc giả sẽ không ít lần bắt gặp những cách nhìn nhận, đánh giá khác biệt của Currey về lịch sử so với những gì trước đây chúng ta vẫn nghĩ. Sẽ có không ít những tư liệu và quan điểm mới mẻ mà chúng ta chưa biết. Và tất nhiên sẽ có không ít những nhầm lẫn, những sự kiện thiếu tính chính xác, mà trong quá trình tiếp cận nguồn tư liệu, bản thân tác giả cũng chưa kiểm chứng hết được. Vì thế, chúng ta nên đọc cuốn sách với thái độ cởi mở tiếp nhận cái mới, song cũng hết sức cẩn trọng trước mỗi đánh giá của tác giả.
Đây là một cuốn sách giá trị về lịch sử Việt Nam nói chung và về Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói riêng.
Trong hơn 450 trang sách Cecil B. Currey đã dựng lại một cách sinh động những chặng đường lịch sử mà Đại tướng đã trải qua, từ khi còn là cậu bé ở làng An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đến khi tham gia cách mạng, trở thành vị Tổng tư lệnh quân đội kiệt xuất của Việt Nam.
Phần I: An Xá 1911 – 1940: gồm có 3 chương, khắc họa chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ thuở thiêu thời đến khi Người trở thành nhà cách mạng, bắt đầu tham gia vào những phong trào, tổ chức yêu nước trước những thay đổi tình hình thế giới cũng như trong nước.
Phần II: Hà Nội: 1941 – 1946: gồm 7 chương, giúp người đọc biết được những hoạt động cách mạng của Đại tướng trong cuộc đấu tranh giành chính quyền và sự thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân 22/12/1944.
Phần III: Điện Biên Phủ: 1946 – 1954: gồm 5 chương, tái hiện lại cuôc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ của quân và dân ta, những quyết định lịch sử làm nên nhiều chiến thắng vang dội mà đỉnh cao là chiến thắng chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Phần IV: Sài Gòn: 1955 – 1991: gồm 8 chương là quá trình Đại tướng chỉ huy quân đội ta cùng với nhân dân đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, xây dựng đất nước thời bình, cùng với những đánh giá của tác giả về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong cuốn sách này, việc khắc họa, làm nổi bật những sự kiện lịch sử tiêu biểu, những bước ngoặt trong cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sử gia Cecil B.Currey đã có những phân tích sắc sảo, trả lời câu hỏi “Vì sao Võ Nguyên Giáp lại trở thành một thiên tài quân sự thế kỷ XX”… Sau khi dành nhiều dung lượng để phân tích về chiến dịch Điện Biên Phủ, về cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, ông đã dành hẳn chương cuối “Một sự đánh giá” để đánh về tài năng quân sự lỗi lạc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ở đó, ông khẳng định Đại tướng là thiên tài quân sự vĩ đại thế kỷ XX và một trong những vĩ nhân của mọi thời đại.
Để tìm hiểu kĩ hơn về nội dung các cuốn sách điện tử trên, kính mời Quý thầy cô và các em học sinh truy cập trang Thư viện điện tử của trường theo đường link sau: https://thuvien.sisap.vn/lamdong/c3chuyenthanglong
Thư viện trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt