Các thể loại văn chương, đặc biệt là tiểu thuyết, truyện ngắn luôn không ngừng đổi mới. Việc đổi mới này vừa xuất phát từ nhu cầu tự thân trong quá trình phát triển của thể loại vừa là hành trình đấu tranh tìm chỗ đứng trong lòng công chúng trước sự cạnh tranh gay gắt của các thể loại và hình thức nghệ thuật mới thời hiện đại. Trước thách thức này, các nhà văn, nhà nghiên cứu, người sáng tác luôn có sự quan tâm đặc biệt đến những vấn đề về cách tân nghệ thuật nói chung và đối với tiểu thuyết nói riêng.
Thư viện trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt xin trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc tác phẩm: “Tiểu thuyết trên đường đổi mới nghệ thuật” của tác giả Phùng Văn Tửu do NXB Tri thức ấn hành năm 2010. Với độ dày 363 trang, được in trên khổ 12 x 20 cm, cuốn sách này tiếp nối công việc nghiên cứu của tác giả sau hai cuốn Tiểu thuyết Pháp hiện đại – những tìm tòi đổi mới (Nxb, KHXH, Hà Nội, 1990, 2002) và Tiểu thuyết Pháp bên thềm thế kỷ XXI (Nxb. Tp. HCM, t/p HCM, 2001; Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2005). Tất cả đều tập trung tìm hiểu mối quan tâm đổi mới tiểu thuyết của các nhà văn.
“Tiểu thuyết trên đường đổi mới nghệ thuật” gồm 14 chương, chia thành 04 phần, đề cập đến những thử nghiệm tìm tòi đổi mới của các nhà văn nước ngoài và phần nào cả trong nước qua một số tác phẩm được dư luận đánh giá cao và chủ yếu xuất bản những năm gần đây. Cuốn sách triển khai men theo các chủ điểm được lựa chọn làm tiêu đề cho các phần (Bên lề thể loại tiểu thuyết, Mở rộng đường biên thể loại, Từ nhà văn đến nhân vật, Mấy vấn đề về lý thuyết).
Đan xen vào công trình là 45 chân dung các nhà văn hoặc những tranh ảnh minh họa liên quan.
Cuốn Tiểu thuyết Pháp hiện đại… nghiên cứu những tìm tòi đổi mới của Tiểu thuyết Pháp mấy chục năm sau Đại chiến II. Cuốn Tiểu thuyết Pháp bên thềm thế kỷ XXI nghiên cứu những đổi mới của tiểu thuyết Pháp hai thập niên cuối cùng của thế kỷ XX. Lần này, Tiểu thuyết trên đường đổi mới nghệ thuật vẫn lấy trọng tâm là tiểu thuyết Pháp, nhưng có mở rộng ít nhiều ra một số nền văn học khác, kể cả văn học hiện đại Việt Nam, và chủ yếu khảo sát những tác phẩm xuất hiện gần đây trong những năm đầu thế kỷ XXI hoặc trước đó chút ít của các tên tuổi mới được vinh danh.
Có một số trường hợp xuất hiện đã lâu trong thế kỷ XX vẫn được đưa vào cuốn sách này, vì sáng tác của họ gắn với sự đổi mới tiểu thuyết trong lĩnh vực riêng biệt lôi cuốn sự chú ý của giới phê bình thời gian gần đây như vấn đề huyền thoại, vấn đề văn học kỳ ảo, vấn đề chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại… Thậm chí, cuốn sách còn đề cập đến hai “tiểu thuyết” mới được dịch và xuất bản ở nước ta của hai nhà văn Pháp sống cách xa chúng ta đã hơn hai thế kỷ, hai cuốn sách mà nhiều người trong giới nghiên cứu phê bình cho đến nay vẫn còn ngần ngại không muốn xác định là tiểu thuyết, nhưng chúng tôi xem đó là những “phản tiểu thuyết” của thời đại ấy, nói khác đi là những tiểu thuyết đích thực.
Tiểu thuyết và truyện ngắn là những thể loại phân biệt nhưng lại gần gũi với nhau về nhiều phương diện nghệ thuật, nên trong cuốn sách này nhiều chỗ tác giả cũng đề cập đan xen cả truyện ngắn. Mặt khác, trong “Lời nói đầu” cuốn “Tiểu thuyết Pháp bên thềm thế kỷ XXI”, tác giả đã nhận xét rằng: “Từ đây tiểu thuyết Pháp dường như không còn ổn ào với trường phái, trào lưu này nọ, mà nhà văn nào cũng muốn tìm con đường riêng, như dòng sông lớn chia thành bao nhánh nhỏ cùng xuôi về biển lớn văn chương”. Hiện tượng này càng đậm nét trong tiểu thuyết ngày nay và thể hiện rõ ở Tiểu thuyết trên đường đổi mới nghệ thuật.
Nghiên cứu và phê bình luôn đi song hành với nhau. Trong nghiên cứu không thể không có phê bình. Phê bình thì có khen có chê; nhưng trong cuốn sách này, để khám phá những tìm tòi đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết, chủ yếu cố gắng tìm ra những cái hay cái đẹp đóng góp của các tác giả, nên cuốn sách không nặng về phê phán. Tác giả tâm đắc với ý kiến của nhà văn, nhà phê bình nghệ thuật Pháp thế kỷ XVIII Denis Diderot: “Có loại nhà trường mà tôi chắc hẳn sẽ gửi các học trò của tôi tới học, đó là loại trường ở đấy người ta dạy cách nhìn cái tốt và nhắm mắt trước cái xấu. Này! anh chỉ thấy trong Homère đoạn nhà thơ miêu tả những trò trẻ con chán ngấy của chàng Achille thôi ư? Anh khuấy cát của một dòng sông cuốn trôi những vẩy vàng rồi trở về với hai bàn tay đầy cát, còn bỏ lại vẩy vàng”. Vì vậy, tác giả đã mở đầu cuốn sách bằng bài “Diderot nhà phê bình nghệ thuật”, xem như đề ra một phương châm, tuy bài đó chẳng liên quan gì đến tiểu thuyết hiện đại.
Tác giả cho ra mắt cuốn sách “Tiểu thuyết trên đường đổi mới nghệ thuật” với hy vọng sẽ giúp ích cho các nghiên cứu sinh, các học viên cao học, sinh viên Khoa Ngữ văn các trường đại học và giáo viên Ngữ văn các trường trung học…
Ký hiệu xếp giá: 8(N)\T309th
Số ĐKCB: STKVH00055; STKVH00056
Sách hiện đang được phục vụ tại thư viện trường. Kính mời Quý Thầy cô giáo và các em học sinh cùng đón đọc!