GIỚI THIỆU SÁCH CHUYÊN ĐỀ: KỶ NIỆM 42 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982 – 20/11/2024)

     “Uống nước nhớ nguồn”; “Tôn sư trọng đạo” là những truyền thống vô cùng tốt đẹp và quý báu được gìn giữ qua mỗi thế hệ người dân Việt Nam. Trên cơ sở kế thừa ngày Hiến chương nhà giáo quốc tế được quyết định tại Hội nghị quốc tế các tổ chức nhà giáo lần thứ hai diễn ra tại thủ đô Vác sa va (Ba lan) năm 1975 với 57 nước tham gia, ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng, nay là chính phủ nước CHXHCNVN đã ban hành quyết định số 167 lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày nhà giáo Việt Nam và kể từ đó đến nay, ngày 20/11 đã trở thành một dịp để xã hội tôn vinh và tri ân những người đã và đang công tác trong ngành Giáo dục, những người vẫn miệt mài ngày đêm chăm lo cho sự nghiệp trồng người.

“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay

Người ta bảo là nghề trong sạch nhất

Có một nghề không trồng cây vào đất

Lại nở cho đời muôn vạn hoa thơm”…

     Nghề dạy học từ lâu đã luôn gắn liền với những giá trị tốt đẹp “Chân – Thiện – Mỹ”, của hai phạm trù nhân cách là cái “Tâm” và cái “Tài” ở mỗi con người. Nói về nghề dạy học, Đôn-ki-xtôi có câu nói nổi tiếng: “Dưới ánh hào quang của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học”. Bác Hồ cũng khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”. Năm này qua năm khác, thầy cô như những người lái đò cần mẫn, miệt mài, vượt qua mọi khó khăn với ý chí kiên cường đưa đón từng thế hệ học trò qua sông, và thầm gửi gắm theo bước chân những người khách ấy bao nhiêu hy vọng và cả kỳ vọng:

“Chuyện một con đò dãi dầm nắng mưa

Lặng lẽ chở bao dòng người xuôi ngược

Khách sang sông tiếp hành trình phía trước

Có ai nhớ chăng hình ảnh con đò…”.

     Bên cạnh nhiệm vụ truyền đạt tri thức, mỗi thầy cô giáo còn là những tấm gương giáo dục, khơi gợi và thắp sáng ngọn lửa tâm hồn cho mỗi học sinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, “Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ”. Tư tưởng của Bác được coi là kim chỉ nam cho các thế hệ những người làm công tác “trồng người”. Người thầy giáo chính là những người đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của công cuộc xây dựng và đổi mới nền giáo dục.

     Xã hội ngày càng phát triển, có những giá trị văn hóa truyền thống đã dần bị phai nhạt, nhưng truyền thống “Tôn sư trọng đạo” vẫn mãi mãi được giữ nguyên vẹn trong lòng dân tộc và trở thành chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam. Nhân dịp Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024). Thư viện trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt xin trân trọng giới thiệu tới Quý bạn đọc chùm tác phẩm xoay quanh câu chuyện nghề giáo như một món quà tri ân gửi tới Quý thầy, cô giáo nhà trường nói riêng và toàn thể những người đã và đang công tác trong ngành Giáo dục nói chung.

     1. Tác phẩm: “Nghề thầy”

     Nhà xuất bản: NXB Khoa học Xã hội

     Năm xuất bản: 2015

     Số trang: 146tr; 20cm

C:\Users\USER\Downloads\73b8a2a55078eb26b269.jpg

     Tóm tắt:

     “Không một đứa bé nào tất nhiên là tốt. Không một đứa bé nào đáng bỏ đi cả”. Đó là câu trích từ Nghề thầy – cuốn sách của người thầy nổi tiếng Hoàng Đạo Thúy.

     Hoàng Đạo Thúy (1900 – 1994), là nhà giáo dục, biên khảo, nhà hoạt động văn hóa xã hội nổi tiếng ở Việt Nam. Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho ở làng Kim Lũ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông học trường Bưởi, tốt nghiệp Thành chung, sau đó dạy học và tích cực tham gia các phong trào cứu tế xã hội, truyền bá quốc ngữ và là thủ lĩnh của phong trào Hướng đạo sinh Việt Nam. Sau năm 1945, ông gia nhập quân đội và lần lượt đảm đương nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền cho đến khi về hưu.

     Ông viết nhiều tác phẩm về giáo dục, xã hội, chính trị, quân sự, lịch sử, văn hóa. Ông được mệnh danh là nhà Hà Nội học hàng đầu của Việt Nam.

     Cuốn sách Nghề thầy của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy là những lời gan ruột của một người thầy nổi tiếng, thần tượng của nhiều thế hệ thanh niên.

     Đã gần 80 năm trôi qua kể từ khi Nghề thầy được xuất bản lần đầu tiên (1944), dù chỉ là một cuốn sách mỏng, viết dưới dạng những lời tâm sự, chia sẻ về chuyện nghề của một người thầy cả đời tâm huyết, nhưng đa số những vấn đề mà tác giả Hoàng Đạo Thúy đặt ra, bàn luận cho đến hôm nay vẫn chưa hề cũ.

     “Một em bé mới vào trường, khác nào một tờ giấy trắng, trên đó tổ tiên và cha mẹ đã viết vào một phần thượng tầng…”. Tác giả đề cập rất rõ về vai trò và sự cần thiết của mối quan hệ hai chiều giữa gia đình và nhà trường, giữa thầy cô và cha mẹ trong việc giáo dục học sinh. Gia đình và nhà trường là những nhà liên minh giáo dục cần thống nhất và hỗ trợ lẫn nhau để cùng giáo dục đứa trẻ nên người theo 5 tiêu chí: Đức – Chí – Thể – Chí – Công.

     Quyển sách là sự nhìn nhận lại từ bên trong sâu thẳm tâm hồn Việt Nam, để nêu ra một phương pháp giáo dục đầy tính nhân bản. Ta sẽ bắt gặp những tinh anh của cha ông để lại kết hợp với lối giáo dục phối hợp Đông – Tây, Kim – Cổ. “Từ cái tính thiện, phép tu thân của Khổng Mạnh, đến việc bú sữa mẹ, dạy trẻ bằng lao động tay chân trong thiên nhiên rộng lớn của J. J Rousseau… khi đọc hết cuốn sách, chúng ta đều học được những kinh nghiệm của ông bà chúng mình, những thành tựu của dân tộc chúng mình trong sự nghiệp giáo dục, cái sự nghiệp đã đào tạo nên biết bao anh hùng, liệt nữ”. Việc giáo dục trẻ nhỏ cần phải có sự kết hợp giữa giáo dục gia đình và người thầy. Và, mục đích của người thầy “là đem lũ trẻ con người ta trao cho, mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất”. Bởi, “trong một độ khá lâu, người ta đã chỉ trọng có mỗi một việc học, nói rằng: “Đi nhà trường, để học đọc, học viết, học tính, để thi đỗ, để rồi đi làm thì đủ thứ sung sướng”. Vì hiểu như vậy mà làm sai lạc cả mục đích của việc giáo dục. Thu hẹp việc giáo dục vào một chỗ học để kiếm tiền thôi, thì thiếu thốn quá. Đã hướng cả công trình giáo dục vào một việc tầm thường thì chỉ bổ cho một lòng dục, lòng dục ấy sẽ phát rộng và mạnh ra, lại thêm không có sức đạo đức ngăn cản, thì nguy lắm”…

     2. Tác phẩm: “ Những gương mặt giáo dục Việt Nam 2007

     Nhà xuất bản: NXB Giáo dục

     Năm xuất bản: 2007

     Số trang: 455tr; 24cm

C:\Users\USER\Desktop\d8d62448-93ec-4e77-8493-560220391f12.jfif

     Tóm tắt:

     Cuốn sách được chia làm hai phần:

     Bên cạnh lời giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, sách được cấu trúc thành hai phần.

     Phần một: Khối Giáo dục, gồm những bài viết về các tấm gương cá nhân, tập thể thuộc các trường: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trong hệ thống giáo dục phổ thông.

     Phần hai: Khối Đào tạo, gồm các bài viết về các cá nhân và tập thể thuộc các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp…

     “Những gương mặt giáo dục Việt Nam 2007” sẽ đưa chúng ta đến với những người giáo viên tâm huyết như: cô giáo Triệu Thị Kim Bình, người dân tộc Tày 30 năm dạy môn lịch sử ở trường THPT Ngô Sỹ Liên, TP Bắc Giang với sự tự học và sáng tạo của cô trong mỗi giờ giảng; đưa các bạ đến với đất mũi Cà Mau, nơi từ năm học 2004-2005 đã tiên phong “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Những gương mặt giáo dục Việt Nam 2007 cũng sẽ đưa chúng ta đến với Học viện Quân y, nơi lần đầu tiên trong nước thực hiện thành công ca ghép gan trên người dưới sự chỉ đạo nghiên cứu khoa học của Trung tướng GS. Phạm Gia Khánh. Chúng ta cũng biết thêm về Trần Thị Hồng Thắm, bị teo hai chân từ khi bốn tuổi, là chị cả trong gia đình 6 chị em, cha mẹ nghèo, đã vượt qua muôn vàn khó khăn thi đậu vào Trường Đại học Cần Thơ…và nhiều tấm gương khác.

     3. Tác phẩm: “ Những gương mặt giáo dục Việt Nam 2008”

     Nhà xuất bản: NXB Giáo dục

     Năm xuất bản: 2008

     Số trang: 471tr; 24cm

C:\Users\USER\Desktop\d25f71c1-fdb8-47ec-b3ff-7e7504040c48.jfif

     Tóm tắt:

     Cuốn sách “ Những gương mặt giáo dục Việt Nam 2008” lần đầu tiên được tổ chức biên soạn và phát hành vào dịp kỉ niệm lần thứ 118 ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, tại chính quê hương của Người. Cuốn sách được nhà xuất bản Giáo dục in 38.000 bản trên khổ giấy 16x24cm, tại xí nghiệp in bản đồ 1 – Bộ Quốc Phòng.

     Cuốn sách được chia làm hai phần:

     Phần một: Khối Giáo dục, gồm những bài viết về các tấm gương cá nhân, tập thể thuộc các trường: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trong hệ thống giáo dục phổ thông.

     Phần hai: Khối Đào tạo, gồm các bài viết về các cá nhân và tập thể thuộc các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp…

     Cuốn sách giới thiệu với bạn đọc hơn một trăm gương điển hình tiên tiến của tập thể và cá nhân đang tỏa sáng trong ngành Giáo dục nước nhà. Đó là cô giáo Trương Lệ Lan dạy tiếng Anh ở Đất Thép Củ Chi, luôn tìm tòi và cập nhật cách dạy mới, tiên tiến, là giáo viên dạy giỏi, được học sinh luôn yêu quí. Đó là thầy Đỗ Văn Đỉnh, vừa là Phó Chủ nhiệm Khoa Điện trường Cao đẳng Công nghiệp Sao Đỏ, vừa là Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội Sinh viên, là nhà giáo luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, vừa say mê với công tác Đoàn, Hội, được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Kỷ niệm chương “ Vì thế hệ trẻ”…

     Một triệu thầy giáo, cô giáo ở mọi miền đất nước vẫn đang ngày đêm âm thầm phấn đấu và vượt qua khó khăn để tạo ra ngày càng nhiều giá trị tốt đẹp hơn cho sự nghiệp trồng người.

     4. Tác phẩm: “Gương sáng việc hay ngành Giáo dục”

     Nhà xuất bản: NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM

     Năm xuất bản: 2015

     Số trang: 357tr; 24cm

C:\Users\USER\Downloads\4adc21b6d36b6835317a.jpg

     Tóm tắt:

     “Một nền giáo dục lấp lánh nhân văn hòa cùng tri thức thời đại” là chủ đề của cuốn sách “Gương sáng việc hay ngành Giáo dục”. Xuyên suốt hơn 350 trang sách là những câu chuyện tuyển chọn từ các bài viết đặc sắc đăng trên báo Giáo dục & Thời đại, góp phần ca ngợi những người thầy, người cô hết lòng vì học trò, những sáng kiến, mô hình, công trình tập thể… được dựng xây từ chính tấm lòng thầy cô, đã chắp cánh ước mơ cho bao thế hệ học sinh.

     Trong cuốn sách là câu chuyện về Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Hiền, bà vừa là cô giáo, vừa là “Mẹ hiền” của bao lớp lớp học trò. Nghị lực của người lính đã giúp bà luyện bản lĩnh người thầy. Câu chuyện “Ông Bụt của trẻ em vùng sông nước” là gương sáng của thầy Lê Trung Sứng – giáo viên dạy môn Thể dục của Trường Tiểu học Hòa 1, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ. Trong 31 năm gắn bó với ngành giáo dục, đã có gần 20 năm thầy dành thời gian sau giờ lên lớp để bơi miễn phí cho trẻ em vùng ven TP Cần Thơ. Hay gương sáng của một người thầy có tấm lòng cao cả, với sự quyết tâm, ý chí vươn lên đó là thầy giáo khuyết tật Trần Thanh Sơn – người sở hữu hai tấm bằng thạc sĩ. Thầy chia sẻ: “Tôi muốn các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, những người khuyết tật như tôi được tiếp cận với giáo dục, với tri thức. Có thể mình khiếm khuyết về cơ thể, nhưng tri thức thì không được khiếm khuyết”.

     Tác phẩm “Gương sáng việc hay ngành Giáo dục” tuyển chọn những bài viết đặc sắc, những câu chuyện nhỏ chứa đầy tính nhân văn, đượm tình thầy trò. Đó là tấm lòng cao cả, cốt cách vị tha, phẩm chất cao quý, tấm gương đạo đức của những nhà giáo mẫu mực qua các thế hệ được các tác giả truyền tải thông qua tác phẩm này.

     5. Tác phẩm: “Giáo dục Việt Nam 1945 – 2005”

     Nhà xuất bản: NXB Chính trị quốc gia Hà Nội

     Năm xuất bản: 2005

     Số trang: 1306tr; 28cm

C:\Users\USER\Downloads\3a1d185cea8151df0890.jpg

     Tóm tắt:

     Nhằm hiểu thêm về lịch sử hình thành và phát triển của nền giáo dục Việt Nam nói chung, quá trình phát triển giáo dục của các tỉnh, thành phố nói riêng, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 115 năm Ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, 60 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 60 năm ngành giáo dục – đào tạo Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp với Trung tâm Thông tin và Tư vấn Phát triển – Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và tạp chí Thế giới mới – Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn, xuất bản cuốn sách “Giáo dục Việt Nam 1945 – 2005”.

     Cuốn sách gồm hai phần:

          Phần I: Những chặng đường lịch sử

          Phần II: Sự nghiệp giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố trong cả nước

          Đây là cuốn sách được tổ chức biên soạn tương đối công phu. Nội dung không chỉ đề cập đến truyền thống, lịch sử phát triển, những đổi mới và thành tựu đạt được của ngành giáo dục và đào tạo của Việt Nam trong những năm qua, mà còn đề cập đến tình hình phát triển giáo dục của các tỉnh, thành phố trong cả nước, cũng như những vấn đề đặt ra đối với ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam trong thập kỉ tới.

     Cuốn sách là một tài liệu nghiên cứu, tham khảo tốt cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các sở, ban, ngành giáo dục ở Trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu, hệ thống trường học và những ai quan tâm đến công tác giáo dục và đào tạo ở Việt Nam.

     Trên đây là các tác phẩm tiêu biểu được thư viện trường THPT Chuyên Thăng Long giới thiệu, các tác phẩm này hiện đang được trưng bày và phục vụ tại thư viện nhà trường. Kính mời Quý thầy cô giáo và các em học sinh cùng đón đọc!

Thư viện trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt