GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10: CHỦ ĐỀ “NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM”

Hướng tới Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2024) và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Thư viện nhà trường xin trân trọng giới thiệu tới Quý bạn đọc tác phẩm “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.

 

       “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” là cuốn sách do nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập dựa trên hai cuốn nhật ký của Bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành và xuất bản năm 2005, với độ dày 322 trang, được in trên khổ giấy 13 x 20,5 cm. Đó chính là những dòng nhật kí của một người con gái Hà Nội, rời quê nhà vào chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ khốc liệt Đây là một tập nhật kí được viết bởi một nữ anh hùng mang tên Đặng Thùy Trâm. Và người cất giữ cẩn thận những dòng nhật kí ấy không ai khác lại chính là một sĩ quan quân đội Mỹ, người đã tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam – frederic Whitehurst.

       Sau khi tốt nghiệp đại học Y Hà Nội nghe theo tiếng gọi của Miền Nam ruột thịt người con gái Hà Nội ấy đã xung phong vào miền nam chiến đấu, nơi mà có những người dân nghèo khổ, nơi mà những chiến sĩ của ta đang chiến đấu ác liệt nhất, anh dũng nhất. Trong vai trò một nữ bác sĩ chị luôn yêu thương mọi người, chia sẻ niềm vui với mọi người, đau với nỗi đau của người bệnh, chăm sóc thương binh hết lòng. Với tinh thần tiên phong, xung kích, đi đầu giành giật từng hơi thở, sự sống cho đồng bào, đồng chí bằng tấm lòng yêu thương vô hạn của người thầy thuốc với phương châm “Lương y như từ mẫu”. Chị vào chiến trường Miền Nam phục vụ với phương châm của lớp thanh niên thời đó “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Người bác sĩ ấy đã đứng ra cầm súng bảo vệ cho những người thương binh và đã ngã xuống như một người lính vừa rời tay súng. Chị đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho mùa xuân của dân tộc, một con người tận tụy, yêu thương, kiên cường, bất khuất như một anh hùng.

       Trong những năm tháng thanh xuân hào hùng ấy, chị đã ghi lại tường tận, chi tiết trong cuốn nhật ký của mình mà sau này đã được xuất bản thành cuốn sách nổi tiếng “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Cuốn sách không chỉ được tác giả Việt Nam đón nhận như một biểu tượng sáng ngời về đức hy sinh, về tình yêu tổ quốc của người phụ nữ Việt Nam mà ảnh hưởng cuốn sách đã vượt qua biên giới, với sự cảm hóa mạnh mẽ vì những trang nhật ký của chị thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội, tình yêu Tổ quốc.

       Tuy được viết bởi một cây bút không chuyên nhưng tác phẩm thu hút bạn đọc không phải vì tài văn chương mà bằng hiện thực lịch sử chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, bằng sự hy sinh cao cả, bằng tình yêu đồng chí, đồng đội và cao hơn nữa là tình yêu Tổ quốc, góp phần điểm thêm một dấu son chói lọi cho truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam anh hùng.

       Những trang nhật ký của chị giống như một thước phim sống động, rõ ràng, chân thực, tái hiện lại một cách rõ nét quang cảnh bệnh xá Phổ Đức, thuộc chiến trường Quảng Ngãi, nơi chị công tác, và di chuyển theo từng trận càn của địch, khiến cho người đọc quay ngược thời gian, trở về với những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Mỗi dòng nhật ký đều chất chứa nhiều tâm tư của đứa con xa nhà, cô đã nhớ về Hà Nội cùng những kỷ niệm ấm áp bên gia đình và gửi lời hỏi thăm người thân vào từng trang viết. Cuốn nhật ký được khép lại vào ngày 20 tháng 6 năm 1970. Bởi hai ngày sau đó chị đã anh dũng hy sinh trong một trận càn của địch.

       Với gần 300 trang sách, Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã khiến người đọc cảm nhận sâu sắc và thấm thía nỗi đau của dân tộc Việt Nam trong chiến tranh. Chị khao khát đến cháy lòng ngày hòa bình thống nhất Bắc Nam để được về với mẹ, về với mảnh đất Hà Thành thân yêu. Tuy mang trong mình sự lo lắng cùng với khát khao được trở về nhà nhưng nữ chiến sĩ phải gạt đi nỗi nhớ để tiếp tục cố gắng, chị tin rằng ngày mai đất nước hòa bình thì bản thân sẽ được sống những ngày tháng tươi đẹp như trước đây.

       Nhật ký là những dòng tâm sự minh chứng sắc son cho tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do không hề khiếp nhược hay do dự, và sự hiến dâng trọn vẹn cho đất nước, của người lính cụ Hồ. Đó là ý chí bất khuất, kiên cường của một người con gái vốn được sinh ra nơi chốn đô thành vậy mà giờ đây lại phải sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Tất cả đã toát lên được chân dung một gương mặt đáng được tôn vinh, chị xứng đáng với danh hiệu mà Bác Hồ đã ban tặng cho phụ nữ với tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

       “Nhật ký này đâu phải chỉ là cuộc sống của riêng mình mà nó phải là những trang ghi lại những mảnh đời rực lửa chiến đấu và chồng chất đau thương của những con người gang thép trên mảnh đất miền Nam này.” – Nhật ký Đặng Thùy Trâm

       Nhà văn Nguyên Ngọc: “Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, tôi ở Quảng Đà nhiều hơn là Quảng Ngãi, nhưng tôi được nghe rất nhiều về Thùy Trâm – cô bác sĩ người Hà Nội phụ trách bệnh xá huyện Đức Phổ. Ai đã từng tham gia chiến tranh đều biết, bệnh xá là nơi ác liệt nhất, cứ trần mình ra để hứng chịu mưa bom mà không thể chuyển đi đâu cả, bởi thế tôi rất kính phục một cô gái mong manh yếu ớt như Thùy Trâm.

       Trong bút ký “Đường mòn trên biển Đông” đã được dựng thành phim của tôi, hình ảnh Thùy Trâm cũng xuất hiện qua lời kể của một nhân vật, và đó chính là lý do để tôi được gặp gia đình Thùy Trâm, được tiếp xúc với cuốn nhật ký của cô. Cuốn sách này hiện đang gây xúc động trong dư luận bởi nó là những dòng chữ được viết ra bởi một người anh hùng trong những người anh hùng. Chúng ta tự hào vì đã có một thế hệ thanh niên đẹp đẽ và sống có lý tưởng như Thùy Trâm.

       Khi gấp những trang cuối cùng của cuốn sách lại, tôi chỉ có một mong muốn, đó là làm thế nào, qua cuốn nhật ký này, chúng ta sẽ có những thế hệ tiếp sau đây biết sống một cách có lửa như thế”.

       Nhà thơ Thanh Thảo: “Qua ký ức của đồng đội, và đọc lại cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, tôi càng củng cố sâu sắc thêm về lòng cảm phục với nữ bác sĩ trẻ đã sống và hy sinh một cách rất đẹp đẽ này. Chị Thùy Trâm là tấm gương tiêu biểu của người trí thức đi vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, với tất cả sự trong sáng của tâm hồn.

       Những phẩm chất của chị đã khiến chính những kẻ thù của chị phải khuất phục. Qua từng trang nhật ký đã hiện rõ hơn tâm hồn của một người con gái đẹp đẽ. Những vò xé, day dứt về tình yêu và những quan hệ cuộc sống, rồi nổi lên là nỗi nhớ gia đình khiến chị trở thành một con người rất đặc biệt nhưng cũng rất bình dị.

       Trong một bài viết, tôi đã gọi chị là một thiên thần bởi những phẩm chất của chị đã thuyết phục bất cứ ai ở bất cứ chiến tuyến nào. Thùy Trâm viết những dòng nhật ký này là cho riêng mình, nếu chị còn sống thì có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ được đọc những dòng chữ ấy. Vượt lên trên một cuốn nhật ký thông thường, Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã trở thành một tác phẩm văn học rất giá trị, rất đặc biệt, rất riêng tư. Và chính bởi những lý do đó mà cuốn sách như một cây cầu nối những giá trị nhân bản mà chúng ta đang hướng đến”.

       Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đã viết: “Nhật kí Đặng Thùy Trâm không phải là một cuốn sách giáo dục đạo đức viết ra để cho hàng ngàn người đọc, mà là một cuốn nhật kí để một người phụ nữ đang sống trong bom đạn dành lại cho mình một chút thời gian giữa bộn bề công việc. Cuốn sổ như một người bạn chân thành, lặng im để chị chia sẻ và lưu giữ lại cuộc sống tinh thần của tuổi thanh xuân. Chính vì vậy, đó là những lời nói chân thành nhất, những lời tâm sự giản dị, những sự chiêm nghiệm và tự động viên không hề mang chút áp đặt. Cuốn sách sẽ làm cho bạn đọc trào nước mắt với những trăn trở và đớn đau của chị, phải nghiêng mình ngưỡng mộ ý chí và tấm lòng dành cho nhiệm vụ, phải buồn bã cùng với những tâm sự rất bình thường của một người thanh niên xa gia đình, tình yêu không phẳng lặng. Chẳng hề có kỹ thuật viết, những dòng ghi chép như được rút ra từ trái tim và tâm hồn của một người con gái chân thành và mộc mạc. Đó quả thực là một cuốn sách để chúng ta đọc, xúc động, cảm thông và thấu hiểu”

       Cuốn nhật ký của liệt sỹ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm thể hiện lý tưởng và khát vọng sống cao đẹp của một chiến sĩ cách mạng, những ghi chép của chị còn trải rộng ra tình cảm bao la đó là “tình người” của người con gái Hà Nội đã hy sinh anh dũng khi tuổi đời chưa đầy 28. Chị đã trở thành biểu tượng và niềm tự hào của một thế hệ cầm súng vào giai đoạn lịch sử không thể nào quên của dân tộc Việt Nam.

       Câu nói của bác sĩ Đặng Thùy Trâm mà đến nay vẫn đang truyền cảm hứng cho biết bao người “Đời người phải trải qua giông tố, nhưng không được cúi đầu trước giông tố”. Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm là một tác phẩm có giá trị, thắp lửa, truyền động lực cho thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi gương người con gái Hà Nội kiên cường, bất khuất. Tác phẩm cũng gửi đến nhiều thông điệp sâu sắc đến chúng ta – những con người được sống trong thời bình. Góp phần giúp độc giả khắp thế giới thấy được những năm tháng chiến tranh ác liệt mà dân tộc ta đã phải trả bằng máu xương để có nền hòa bình độc lập ngày hôm nay. Đọc tác phẩm, chúng ta càng trân trọng cuộc sống hoà bình này, biết quý trọng cuộc sống ngày nay hơn.

       Đặng Thùy Trâm – nhân vật đã truyền cảm hứng, hướng thế hệ trẻ tới lối sống tích cực, có trách nhiệm với xã hội, khơi dậy khát vọng cống hiến và phát triển đất nước. Đó chính là Đặng Thùy Trâm – hình ảnh một nữ chiến sĩ, một nữ bác sĩ sẵn sàng hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho nền độc lập, tự do của dân tộc, mãi là tấm gương cho thế hệ trẻ hôm nay – những người sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, chưa từng nếm trải trận mạc, gian khổ, mất mát và hy sinh, sẽ biết trân trọng cuộc sống mình đang có, biết sống có ước mơ, có hoài bão và luôn vì mọi người.

Sách hiện đang được phục vụ tại thư viện trường. Kính mời Quý thầy cô giáo và các em học sinh cùng đón đọc!

 

Vũ Thanh Thủy – Thư Viện trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt