Lịch sử hình thành nhà trường

3820

Toạ lạc tại vị trí trung tâm  của thành phố hoa ĐàLạt, với diện tích 18.174 m2, thuận lợi   về địa lý, giao thông, cảnh quan và môi trường, tuy chưa có được cơ sở vật chất thật khang  trang, hiện đại với đầy đủ trang  thiết bị thật sự xứng đáng với  tầm vóc của một trung tâm chất lượng cao của ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng, nhưng trường THPT Chuyên Thăng Long trong nhiều năm qua đã liên tục phát huy tinh thần vượt qua khó khăn, trở thành đơn vị lá cờ đầu trong khối THPT của tỉnh nhà, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và các bậc PHHS của thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng.

                              

Lược sử hình thành nhà trường

     Ngày 3/4/1975 Dalat được giải phóng trường Tiểu học và Trung học Thánh Phaolô đón nhận 3.000 học sinh từ các trường khác đến tiếp tục học hòan chỉnh năm học 1974 – 1975.

      Ngày 19 tháng 10 năm 1975, trường đã khai giảng năm học lịch sử 1975 – 1976, gồm có bốn cấp học: mẫu giáo, cấp I, cấp II và cấp III.

  • Năm học 1976 – 1977:  cô Đặng Thị Lượng làm Hiệu trưởng. Trường tách mẫu giáo và cấp I ; còn cấp II và cấp III học theo chương trình phân ban cũ. Thời gian này trường ổn định tổ chức biên chế là chính,.
  • Từ năm 1977 – 1979:  Thầy Trần Nam (nay đã mất) làm Hiệu trưởng. Trường tách cấp II, chỉ còn lại cấp III.
  • Từ năm 1979 – 1982:  Thầy Phạm Hồng Vân làm Hiệu trưởng. Một Hội đồng có hai nhiệm vụ: THPT và Bồ túc văn hóa.
  • Từ năm 1982 – 1983: Thầy Võ Quang Nghĩa (nay đã mất) làm Hiệu trưởng. Tách riêng hệ Bổ túc văn hóa thành trường cấp III Thăng Long.
  • Từ năm 1983 – 1993:  Thầy Nguyễn Gia Khánh làm Hiệu trưởng (nay đã về hưu). Mở thêm lớp hệ B, lớp chọn. Năm 1991 – 1992 có các lớp Chuyên: Văn, Toán, Anh với các Thầy cô: Bùi Lương, Nguyễn Tuyết Mai, Cô Trương Thị Dậu (đã mất), Thầy Nguyễn Tuý, cô Nguyễn Tuyết Vân phụ trách giảng dạy.
  • Từ năm 1993 – 1997: 

+ Hệ THPT (Đại trà) cấp III chuyển sang Trường cấp II Quang Trung, sáp nhập thành trường PTTH Quang Trung do Thầy Nguyễn Gia Khánh làm Hiệu trưởng.

+ Trường trở thành Trường PTTH Chuyên Thăng Long do Thầy Phạm Đình Cầu làm Hiệu trưởng (có các bộ môn Chuyên: Toán,  Lý, Hóa, Sinh, Văn, Anh).

  • Từ năm 1997 – 2001: 

+ Trường THPT Chuyên Thăng Long chuyển về địa chỉ 20 Hùng Vương, thành lập trường Chuyên Lâm Đồng (có cả cấp II).

+ Hệ cấp III của trường PTTH Quang Trung chuyển về lại, thành lập trường PTTH Thăng Long do cô Nguyễn Thị Vàng làm Hiệu trưởng.

  • Năm 2001 – 2002: Trường tiếp nhận khối Chuyên cấp III của trường Chuyên Lâm Đồng về lại trường THPT Thăng Long. Trường có hai nhiệm vụ: giáo dục toàn diện và mũi nhọn.
  • Năm 2003 – 2004: Trường chính thức mang tên Trường THPT Chuyên Thăng Long – Đàlạt, do cô Nguyễn Thị Vàng làm Hiệu trưởng.
  • Năm 2004 – 2007:  Thầy Bùi Lương làm Hiệu trưởng (cô Nguyễn Thị Vàng nghỉ hưu),tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn diện và ổn định phát triển mũi nhọn.   
  • Năm học 2007 – 2008: cô Trần Thị Nghĩa làm Hiệu trưởng (thầy Bùi Lương chuyển công tác mới: giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt), tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn diện và phát triển mũi nhọn theo định hướng phát triển trường Chuyên mới của Bộ GD & ĐT : xây dựng trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt thành trường THPT Chuyên chất lượng cao (giai đoạn 2010-2020)

+ Hiện nay , trường có 8 Tổ chuyên môn: Tổ Toán – Tin (12 gv), Tổ Lý – KTCN (11 gv), Tổ Hóa (8 gv), Tổ Sinh – KTNN (9 gv), Tổ Văn (11 gv), Tổ Anh văn (10 gv), Tổ GDCD-TDQP (7 gv), Tổ Sử – Địa (5 gv) và Tổ HCQT (8 nhân viên) ; tòan trường có 72 giáo viên và 8 nhân viên, Ban Giám hiệu nhà trường có4 đồng chí, Chi bộ nhà trường đến nay có 21 đồng chí thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo tòan diện nhà trường.

+ Về chất lượng đội ngũ giáo viên:

              Có 14 giáo viên có trình độ Thạc sĩ (Toán: 2, Tin: 1, Lý: 2, Hóa: 2, Sinh: 3, Văn: 2, Sử: 1, Địa: 1) và 5 giáo viên đang đi đào tạo Thạc sĩ.

              Có 30 giáo viên dạy các lớp Chuyên và 35 giáo viên dạy bồi dưỡng chuyên đề Chuyên.

              Có 21 giáo viên tham gia bồi dưỡng Đội tuyển Quốc gia và 11 giáo viên là thanh tra viên kiêm nhiệm của Sở GD & ĐT Lâm Đồng.

              Hơn 70% giáo viên có tuổi nghề từ 10 năm trở lên.

              Hằng năm có 40 CSTĐ cấp Tỉnh và cấp cơ sở. Đã có 3 tổ chuyên môn đạt “Tiên tiến xuất  sắc” (Tổ Hóa, Sinh, Anh) và 5 tổ chuyên môn , 1 tổ nghiệp vụ đạt tiên tiến.

          Thành tích và truyền thống nhà trường

+ Về chất lượng giáo dục toàn diện và đào tạo học sinh mũi nhọn:

          – Sau 32 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã đào tạo được 8764 học sinh tốt nghiệp THPT, hơn 70% học sinh  đỗ vào các trường Đại học – Cao đẳng trong cả nước

              * Năm 2006 – 2007 có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT và 72,7% đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng

         – Qua 15 năm hình thành và phát triển hệ chuyên , nhà trường đã có 4496 học sinh Chuyên trưởng thành , có 426  học sinh đạt giải Quốc gia (5 Giải Nhất, 97 Giải Nhì, 201 Giải Ba, 133 Giải Khuyến khích – trong đó có 02 giải Nhất môn Lý và có 1 học sinh vào Đội dự tuyển Quốc tế).

          Với 13 năm tham dự giải Olympic ( chưa kể 2007-2008 ) đã có 249 học sinh đạt Huy chương Olympic (72 huy chương Vàng ,105 huy chương Bạc và 72 huy chương Đồng).

       Chỉ tính từ năm 2001 đến nay  có 939 học sinh đạt giải Tỉnh (42 Giải Nhất, 157 Giải Nhì, 402 Giải Ba, 340 Giải Khuyến khích).

        * Riêng năm học 2007-2008 đạt

              Học sinh giỏi cấp Tỉnh: 113 giải (4 Giải Nhất, 15 Giải Nhì, 32 Giải Ba, 62Giải Khuyến khích).

              Học sinh đạt giải Quốc gia: 20 giải (11 Giải Ba, 09 Giải Khuyến khích).

              Lần đầu tiên dự giải Casio khu vực ở 3 môn Ký , Hóa , Sinh đã đạt 13/15 giải ( 5 giải II , 5 giải III và 3 giải KK – trong đó môn Vật lý đứng đầu trong 26 tỉnh thành tham dự ).                                                     

           

               Nếu so với đa số các trường THPT Chuyên có bề dày truyền thống ở khu vực phía Bắc, thì tuổi đời của trường THPT Chuyên Thăng Long, Đàlạt còn rất trẻ (15 năm đào tạo học sinh chuyên ). Nhưng từ khi chính thức đảm nhận chức năng đặc thù là đào tạo học sinh giỏi của Tỉnh, trên nền giáo dục toàn diện, đội ngũ giáo viên của trường đã từng bước trưởng thành, ngày càng đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Nhiều thầy cô giáo phấn đấu là giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh, là nòng cốt giảng dạy, đào tạo học sinh giỏi, như thầy Trần Khanh, thầy Nguyễn Tuý, thầy Phạm Tấn Lộc, thầy Nguyễn Thanh Long, cô Dương Thị Bạch Tuyết, cô Nguyễn Thị Lang, thầy Đào Mạnh Trinh, thầy Nguyễn Đình Hòa, thầy Trần Văn Hiền, thầy Phạm Hiển, cô Lê Thị Mỹ Ngọc, thầy Nguyễn Đình Hiệp, cô Nguyễn Tuyết Vân, thầy Lê Văn Thành, cô Lê Thị Thanh Vân… Nhiều thầy cô giáo liên tục là những giáo viên giàu kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm, quản lý và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể quần chúng như thầy Phạm Vân (Bí thư Chi bộ khóa 6, 7), thầy Phạm Ngọc Liên (Chủ tịch Công đoàn), thầy Nguyễn Văn Trai (Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn), cô Hồ Thị Xuân Hòa, cô Diệp Thu Hạnh (giáo viên chủ nhiệm giỏi)… Đội ngũ giáo viên trẻ, và nhiều giáo viên nguyên là cựu học sinh trường Chuyên trở thành đội ngũ kế cận nhiều triển vọng như thầy Nguyễn Thành Anh ( nguyên Bí thư Đoàn trường, nay là tổ trưởng tổ Hóa , là giáo viên giỏi Tỉnh), cô Nguyễn Thị Ngọc Dung (giáo viên Sinh), cô Nguyễn Thị Thuỳ Linh (giáo viên Sinh , bí thư chi đòan giáo viên), thầy Phạm Đặng Phước Linh (giáo viên Lý, bí thư đòan trường ), cô  Nguyễn Thị Thanh Hương (giáo viên Văn)…

            Trong quá trình hình thành và phát triển của nhà trường, còn phải kể đến công lao đóng góp của những thầy cô giáo cao niên như thầy Nguyễn Văn Khoát, cô Nguyễn Thị Lang, cô Lê Thị Xuân Châu (đã nghỉ hưu), thầy Lê Văn Thương, thầy Võ Lư, thầy Nguyễn An Hiếu, cô Cao Thị Thanh và những cán bộ nhân viên tổ Hành chính – Quản trị như cô Nguyễn Thị Hiến (Kế toán), cô Hồ Thị Danh (Thủ quỹ), cô Nguyễn Thị Thanh Tâm (Thư viện), cô Trần Thị Kim Oanh (Văn thư)…

            Để thực hiện nhiệm vụ phát hiện, tuyển chọn đào tạo và bồi dưỡng học sinh giỏi ,nhà trường đã không ngừng tranh thủ giao lưu học hỏi các đơn vị trường chuyên trong cả nước. Các đoàn cán bộ, giáo viên cốt cán trong nhiều năm qua đã vào Nam ra Bắc giao lưu, tiếp xúc, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm quản lý và giảng dạy ở các trường Chuyên : Lam Sơn (Thanh Hóa), Lê Quý Đôn (Thái Bình), Trần Phú (Hải Phòng), Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình), Ngô Sỹ Liên (Bắc Giang), Hùng Vương (Phú Thọ), Lê Hồng Phong (TP.HCM), Lê Quý Đôn (Vũng Tàu), Thoại Ngọc Hầu (An Giang), Lê Quý Đôn (Quảng Trị)…

            Nhiều thầy cô xuất thân từ nhà trường , trong đội ngũ quản lý của trường đã trở thành lãnh đạo ngành , lãnh đạo tỉnh : cô Đặng Thị Lượng ( Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng) , thầy Võ Quang Nghĩa  ( Chủ Tịch MTTQ Tỉnh Lâm Đồng ), thầy Trần Nam ( Phó Giám Đốc Sở Giáo dục & Đào Tạo Lâm Đồng) , thầy Nguyễn Gia Khánh ( Chánh Thanh Tra Sở Giáo dục & Đào tạo Lâm Đồng ) , cô Nguyễn Thị Anh Phương (Giám Đốc Sở Giáo dục & Đào Tạo Lâm Đồng), thầy Hùynh Văn Bảy ( Chủ Tịch Công Đòan ngành GD&ĐT Lâm Đồng …)

     Về thành tích, 32 năm qua nhà trường đã đạt được những thành tích rất đáng khích lệ. Số học sinh giỏi cấp tỉnh duy trì và ổn định. Tham gia cuộc thi Olympic các tỉnh phía Nam đã đạt được thành tích cao với nhiều huy chương Vàng, Bạc,  Đồng và xếp loại đều có thứ hạng cao trong số các trường Chuyên và THPT tham gia dự thi .Tỉ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường Đại học tương đối khả quan . Học sinh Thăng Long học tại các trường Đại học ở TP. HCM đã khẳng định được mình và được bạn bè ngưỡng mộ, có nhiều em theo học ở các lớp cử nhân tài năng. Không kể số học sinh đi du học tự túc, số học sinh được các trường đại học tuyển chọn đi du học nước ngoài có học bổng cũng chiếm tỉ lệ cao. Đặc biệt có hơn 50 học sinh các khóa đang du học tại nhiều nước như: Nhật, Mỹ, Uc, Singapore, Pháp, New Zeland, Trung Quốc… Đến nay có hàng ngàn học sinh trưởng thành từ mái trường Thăng Long đã làm những nhà quản lý tốt, những cán bộ khoa học – kỹ thuật, những chuyên gia giỏi, những nhà doanh nghiệp thành đạt, những công chức và công dân tiêu biểu.

      Bên cạnh hoạt động đào tạo mũi nhọn, nhà trường cũng đặc biệt quan tâm giáo dục toàn diện đạo đức, chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Tất cả các hoạt động của các đoàn thể, tổ chức xã hội, học sinh trường Chuyên Thăng Long đều tham gia tích cực và được đánh giá cao.

      Nhà trường đã đạt được những thành tích xuất sắc, là lá cờ đầu của Ngành GD & ĐT Lâm Đồng ở bậc THPH trong nhiều  năm liền, được UBND Tỉnh tặng Bằng khen, được Sở GD&ĐT công nhận trường tiên tiến xuất sắc , 2 lần được Bộ Công An tặng bằng khen về “ Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc”, năm học 2006 – 2007 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Chi bộ đạt “Trong sạch vững mạnh” 12 năm liền, Công đoàn và Đoàn TNCSHCM liên tục đạt “vững mạnh” cấp Tỉnh

                  Hiện nay căn cứ vào mục tiêu định hướng chung ,mục tiêu cụ thể đến năm 2020 của hệ thống các trường chuyên trên tòan quốc do Bộ Giáo Dục và Đào Tạo qui định , trường THPT Chuyên Thăng Long xác định muc tiêu :

“Giáo dục học sinh phát triển tòan diện , từ tố chất thông minh xây dựng được khả năng tự học, có nền tảng kiến thức vững vàng, có khả năng làm việc tập thể , phát triển nhân cách lành mạnh , có cuộc sống tinh thần phong phú , rèn luyện thể chất tốt và có khả năng giao tiếp , có nhu cầu và các điều kiện căn bản tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới  để phát triển thành nguồn nhân lực chất lượng cao có đầy đủ phẩm chất : đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ, ý thức tự lực, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc  và chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng phục vụ cho nền kinh tế – xã hội của tỉnh Lâm Đồng và đất nước Việt Nam ”.

Phấn đấu đạt mục tiêu cụ thể : trường chuẩn quốc gia trước năm 2010 và trở thành trường chuyên chất lượng cao có đầy đủ các chỉ tiêu qui  định về trung tâm chất lượng cao mà Bộ Giáo Dục và Đào Tạo qui định vào 2015.

   Để thực hiện những mục tiêu nêu trên , thầy trò trường THPT Chuyên Thăng Long sẽ tiếp tục xây dựng và phát huy truyền thống :

1.      Đòan kết, thân thiện , hợp tác vì công việc chung – quan tâm hỗ trợ nhau trong học tập , trong công việc và cuộc sống – luôn vượt khó khăn để thi đua dạy tốt –  học tốt.

2.      Nỗ lực cố gắng trên nền giáo dục tòan diện để học tập nâng cao , chuyên sâu – sống có lý tưởng và hòai bão trở thành những nhà khoa học , những chuyên gia đầu ngành, những nhà quản lý giỏi … – hết lòng phục vụ tập thể, nhân dân và tổ quốc.

3.      Không ngừng phát huy khả năng , sáng tạo, … – đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật  vào học tập, giảng dạy , thí nghiệm thực hành – đẩy mạnh sử dụng ngọai  ngữ trong học tập , giao tiếp luôn năng động tiếp cận tri thức tiên tiến thế giới  học tập , làm việc với hiệu quả cao.

                        

                         – CHI ỦY TRƯỜNG THPT CHUYÊN THĂNG LONG –