Giới thiệu tác phẩm “Mắt nào xanh nhất”

      Thư viện trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt xin trân trọng giới thiệu tới Quý bạn đọc tác phẩm “Mắt nào xanh nhất” của tác giả Toni Morrison.

 

      Mắt nào xanh nhất là cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả Toni Morrison (tên gốc: The Bluest Eye – 1970) do San Hô Books và Nxb Phụ nữ Việt Nam ấn hành, kể về Pecola – một bé gái da đen lớn lên ở Lorain, Ohio (quê hương của tác giả) trong những năm sau cuộc Đại khủng hoảng. Pecola cầu nguyện cho đôi mắt của mình chuyển sang màu xanh, để con bé được yêu quý như tất cả những đứa trẻ da trắng, tóc vàng, mắt xanh ở Mĩ. Vào mùa thu năm 1941, năm cúc vạn thọ trong vườn của Breedloves không nở hoa, cuộc sống của Pecola thay đổi theo những cách đau đớn và tàn khốc.

      Cả đời Pecola chỉ ao ước một đôi mắt xanh. Mắt xanh xinh đẹp, mắt màu thiên thanh, mắt xanh như mắt Shirley Temple tóc vàng da trắng. Đôi mắt xanh là hi vọng duy nhất để con bé da đen nhìn cuộc sống khác đi, để thấy mình không xấu xí, không bị chà đạp, được tự do và được yêu thương. Nhưng tiếc thay, phép lạ không có thật.

      Lấy trọng tâm là bi kịch nội hoá và căm ghét chính mình đến cực đoan của Pecola, tiểu thuyết đầu tay của Toni Morrison đặt ra câu hỏi vẫn vô cùng nhức nhối sau hơn nửa thế kỉ kể từ ngày ra mắt: ai khiến con bé cảm thấy rằng thà làm kẻ quái dị còn hơn làm chính mình? Ai đã nhìn nó và thấy nó thiếu thốn như vậy, nhỏ nhít như vậy trên cán cân sắc đẹp? Trần trụi, khốc liệt, đau thương, Mắt nào xanh nhất xứng đáng là một trong những đại diện xuất sắc nhất của nền văn học hiện đại Mĩ.

      Một cuốn sách, với ngôn từ phong phú và tầm nhìn táo bạo, tái hiện lại một cách sống động nỗi sợ hãi, sự cô đơn và bi kịch của một bé gái da đen, phơi bày hiện thực trần trụi về vấn đề phân biệt chủng tộc nhức nhối trong lòng nước Mỹ. Cho tới thời điểm hiện tại, Mắt nào xanh nhất vẫn là một trong những tiểu thuyết có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và khó quên nhất của Toni Morrison.

      Tác phẩm là cuốn tiểu thuyết giàu chất thơ và dạt dào cảm xúc khi đối diện với vẻ đẹp và kết cục của những cá nhân không thể đáp ứng được tiêu chuẩn cộng đồng về cái đẹp. Sắc đẹp là thứ khiến người ta khao khát đến nỗi ám ảnh hiện hữu trong suốt chiều dài của lịch sử. Đó cũng là lý do cuốn sách tuy viết từ những năm 1970 mà vẫn có sức lay động độc giả ngày nay.

      Như vậy có thể thấy rằng, ngay từ cuốn tiểu thuyết đầu tay, đường hướng của một nhà văn nặng lòng với các vấn đề chủng tộc đã được định hình. Tuy lúc vừa mới ra mắt, Mắt nào xanh nhất không được đánh giá quá cao, thế nhưng trong những ngày này khi chủ nghĩa màu da đang bị thách thức và cơn căng thẳng đang lên cao nhất, thì văn chương của Toni Morrison chính là một lời kêu cứu, là sự phản biện, là những minh chứng cho một hệ thống đang còn rệu rã và nhiều bất công.

      Lặn sâu dưới lớp văn chương rất nhiều biến động, bằng một giọng văn chứa đầy màu sắc, hình ảnh cũng như nhịp điệu, Toni Morrison đã cho ra đời một tác phẩm lớn và rất quan trọng, cho cộng đồng mình, cho thế giới này và cho tính chất nhân văn đang rất cần thiết.

Ký hiệu xếp giá: 8(N71)3/ M118n

Số ĐKCB: STKVH00034; STKVH00035; STKVH00036

Kính mời Quý Thầy cô cùng đón đọc!

 

Thư viện