Giới thiệu tác phẩm “Trại giam tù binh Phú Quốc – Những trang sử đẫm máu 1967 – 1973”

      Thư viện trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt xin trân trọng giới thiệu tới Quý bạn đọc tác phẩm: “Trại giam tù binh Phú Quốc – Những trang sử đẫm máu 1967 – 1973” của tác giả Trần Văn Kiêm do Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh ấn hành năm 2011 với độ dày 300 trang, được in trên khổ giấy 14,5 x 20,5 cm.

 

       

“Trại giam tù binh Phú Quốc – Những trang sử đẫm máu” được các nhân chứng lịch sử viết lên bằng cả sự thật, trải nghiệm của chính bản thân trong những năm tháng bị giam giữ, tra tấn trong tù. Tuân thủ nguyên tắc trung thực, tác giả khách quan chọn lọc, ghi lại những điều thật sự đã xảy ra phía sau những dây thép gai… Tác phẩm cũng sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu động lực, sức mạnh nào mà cha ông ta đã vượt qua, trụ vững trước những nhục hình ấy, đã chiến đấu ngoan cường để bảo vệ cuộc sống, bảo vệ sinh mạng chính trị của mình vì lý tưởng cách mạng cao cả.

      Cuốn sách được trình bày một cách lôgíc, gồm các phần: giới thiệu về đảo Phú Quốc, sự ra đời của Trại giam tù binh Phú Quốc; âm mưu và thủ đoạn của Mỹ ngụy đối với tù binh; tổ chức đấu tranh của tù binh… Với độ dài 300 trang, cuốn sách thực sự là cuốn tư liệu lịch sử quý giá, là lời tố cáo đanh thép, phản ảnh rõ bản chất, bộ mặt thật của giặc Mỹ và tay sai khi chúng đang tâm, mất hết nhân tính, sẵn sàng dùng mọi biện pháp để hủy hoại thể xác và tinh thần của tù binh, hòng làm nhụt ý chí chiến đấu của những chiến sĩ cách mạng ngoan cường…

      Xuyên suốt trang sách, có lẽ ngoài việc khâm phục ý chí sắt đá, những hình thức đấu tranh có tổ chức, rất sáng tạo, phù hợp với bối cảnh để đối phó với kẻ thù của các chiến sĩ cách mạng kiên trung, hình ảnh sẽ mãi “ám ảnh” người đọc là những trang viết đẫm máu, thuật lại những hình thức tra tấn dã man, tàn bạo mà kẻ thù đã đối xử với tù nhân.

      Trong đó có thể kể đến hình phạt “chuồng cọp kẽm gai”, một trong những hình thức tra tấn khủng khiếp, “phát minh” mới của lực lượng đặc biệt mũ nồi xanh của Mỹ. Để hành hạ tù binh, địch đã làm những chiếc chuồng bằng dây kẽm gai đủ mọi kích cỡ, có loại chỉ cho tù nhân nằm dưới đất, có loại chỉ cho ngồi, có loại chỉ có thể đứng lom khom, người tù chỉ cần thay đổi tư thế là bị thép gai đâm vào người. Chịu hình phạt này, tù nhân còn phải cởi quần áo, dầm mưa, dãi nắng ngày đêm, bị dội dầu hắc lên, khiến thân thể tàn phế… Độc giả sẽ không thể hình dung được những kiểu tra khảo hết sức dã man khác, chẳng khác nào thời trung cổ, như: đổ nước xà phòng, treo dộng đầu xuống đất để đánh, nướng sắt châm vào người, nướng người, ném vào chảo nước sôi, đóng đinh dài cả tấc vào mắt cá, đầu gối, xương ống quyển; đục và bẻ răng, lấy móng chân móng tay, chôn sống… khiến nhiều chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh trước đòn roi tra trấn của kẻ thù.

      Đọc cuốn sách, thế hệ trẻ có dịp “mắt thấy tai nghe” về một “địa ngục trần gian” có thật, từng hiện hữu trong quá khứ để hiểu thêm một khía cạnh trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, qua đó để biết ơn, tưởng nhớ những người đã chịu đựng biết bao gian khổ và hy sinh cho ta hưởng hạnh phúc hôm nay. Đọc cuốn sách – một hồi ức đau thương đầy nước mắt trong cuộc chiến cũng không phải để khơi gợi lại hận thù, mà để nhắc nhớ thế hệ hôm nay hòa bình, nền độc lập tự do mà ta đang thụ hưởng được đánh đổi bằng xương máu của cha ông, từ đó biết trân trọng và sống xứng đáng từng giây phút ta có.

      Sách hiện đang được phục vụ tại thư viện nhà trường. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Thư viện