VIỆT NAM ĐẾN VỚI THẾ KỈ ĐẠI DƯƠNG

      Con người biết đến biển và đại dương đã từ lâu, song chỉ tiến hành nghiên cứu biển, nghiên cứu đại dương với đúng nghĩa của nó là từ sau cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật lần 2 (thế kỷ XIX).

      Con người nghiên cứu biển, đại dương để phục vụ cho kinh tế – xã hội. Theo thời gian, dần dần các nhà kinh tế học cũng đã đưa ra được một phức hợp kinh tế biển bao gồm 6 lĩnh vực: (1) Kinh tế cảng; (2) Kinh tế đóng tàu; (3) Kinh tế khai khoáng; (4) Kinh tế hải sản; (5) Kinh tế du lịch; (6) Kinh tế lấn biển.

      Cho đến nửa cuối thế kỉ XX, nhân loại đã có được cách nhìn nhận mới về hành tinh của chúng ta. Hành tinh này không chỉ là “Trái Đất” mà còn là “Trái Nước”, và vì vậy những nhà kinh tế học đã nói đến một nền kinh tế mới – một nền kinh tế mở ra bằng nguồn năng lượng biển: Năng lượng sóng biển; Năng lượng của thủy triều; Các dạng năng lượng biển khác (điện phát ra từ sự chênh lệch độ mặn, hay từ sự chênh lệch nhiệt độ và rồi nước biển có thể đốt cháy được).

      Chính những nguồn năng lượng mới này là cầu nối dẫn thế giới đến với một nhận định “Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương”.

       Việt Nam – đất nước tươi đẹp của chúng ta, với tự nhiên cũng như kinh tế – xã hội đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển, cho nên tất yếu chúng ta phải quan tâm đến THẾ KỈ ĐẠI DƯƠNG này.

      Vậy chúng ta cần chuẩn bị gì?

     Để tiến ra biển, ra đại dương thì phải có con người của biển và cộng đồng của biển; đồng thời phải hội nhập quốc tế và đảm bảo an ninh – quốc phòng.

      Con người của biển là như thế nào? Con người phải cảm thụ được cái đẹp và giá trị của biển cả, gắn bó sống còn với biển, chứ không phải chỉ biết khai thác biển theo cung cách “săn bắt hái lượm” của người nguyên thủy. Nghĩa là phải biết nuôi dưỡng biển rồi sau đó mới khai thác biển.

      Cộng đồng của biển là như thế nào? Đó là một cộng đồng có văn hóa ứng xử “đẹp đẽ” với biển cả và với con người tứ xứ (trong nước cũng như quốc tế) – “bốn biển là nhà”.

 

Thực hiện chiến dịch trồng cây xanh bảo vệ tài nguyên và môi trường biển

 

      Có con người của biển, công đồng của biển cũng chưa đủ bởi vì muốn thực thi KINH TẾ ĐẠI DƯƠNG đòi hỏi chúng ta phải có vốn lớn, khoa học – kỹ thuật hiện đại, năng lực kinh doanh, sản xuất, trình độ quản lý đạt trình độ đương đại. Ta tìm những điều này ở đâu?  

      Không đâu xa, thế giới hôm nay đang có đủ những điều mà chúng ta cần. Đó là điều lí giải vì sao chúng ta phải hội nhập kinh tế – quốc tế. Quá trình hội nhập đó, đòi hỏi “cửa ngõ biển cả” phải thông thoáng để tiếp nhận những “luồng gió trong lành” của bốn phương thổi tới. Vì ven biển là nơi có hệ thống cảng biển gắn với hệ thống cảng biển quốc tế, có đường hàng hải gắn với hàng hải quốc tế, có du lịch biển…khơi thông cho mối quan hệ toàn cầu.

      Toàn cầu hóa mang lại cho nước ta nhiều cơ hội để phát triển kinh tế ĐẠI DƯƠNG, nhưng xu thế này cũng hình thành và xuất hiện nhiều mâu thuẫn mới. Đó là sự đan xen và phụ thuộc lẫn nhau về nhiều lĩnh vực: không chỉ về kinh tế, khoa học – kỹ thuật mà còn về chính trị – xã hội, văn hóa, an ninh – quốc phòng.

      Từ thực tế đó, để phát triển KINH TẾ ĐẠI  DƯƠNG tất yếu phải có luật pháp vể biển. Ở nước ta những văn bản pháp luật về biển mà chúng ta hay nghe tới đó là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (năm 1982), Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

      “Hiến pháp của các Đại dương”– là cụm từ được nhiều người dùng để nói về UNCLOS – Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (United Nations Convention on Law of the Sea). Điều này đã cho thấy vai trò và kỳ vọng về công ước này trong việc điều chỉnh các quan hệ trọng yếu giữa các quốc gia liên quan đến hoạt động trên biển và cơ sở pháp lý quan trọng nhất để xác định một cách toàn diện, đầy đủ phạm vi quyền của các chủ thể đối với các vùng biển và tài nguyên có thể được hưởng. Qua đó góp phần quan trọng vào việc xây dựng một trật tự quốc tế hòa bình, thịnh vượng.

      Ngày 10/12/1982, UNCLOS được hình thành. Công ước chính thức có hiệu lực từ ngày 16/11/1994. Đến nay, UNCLOS đã có 168 quốc gia thành viên phê chuẩn, trong đó có Việt Nam.

Phiên họp toàn thể Hội nghị lần thứ 30 Các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật biển

 

      UNCLOS 1982 được xây dựng theo nguyên tắc “cả gói” (package deal), bao gồm tất cả mọi khía cạnh liên quan đến Luật Biển. UNCLOS 1982 bao gồm 17 phần với 320 điều khoản, 9 phụ lục, 4 nghị quyết kèm theo, chứa đựng 1.000 quy phạm pháp luật quốc tế. Đây là một văn kiện pháp lý quốc tế tổng hợp, toàn diện, bao hàm tất cả những nội dung quan trọng nhất trong luật pháp và thực tiễn quốc tế về biển và đại dương thế giới.

      Để tạo điều kiện cho việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên cũng như giữ vững chủ quyền biển, đảo, đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến biển, trong đó có thể kể đến một số văn bản quan trọng sau: Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; Luật Biên giới quốc gia nước CHXHCN Việt Nam; Luật Dầu khí; Luật Thủy sản; Luật Hàng hải Việt Nam; Luật Biển Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp quốc; Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam; Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam; Nghị định của Chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Nghị quyết của Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050…

      Luật pháp về biển là cần thiết với THẾ KỈ ĐẠI DƯƠNG – Tuy nhiên thực tế cho thấy một điều hiển nhiên là nếu chúng ta khẳng định chủ quyền biển, đảo nhưng không bảo vệ và khai thác, thì chắc chắn rằng biển, đảo đó sẽ có chủ nhân mới. Hiểu rõ vấn đề này, con người Việt Nam đã kiên quyết bám trụ, giữ vững vùng biển thân yêu dù chỉ là một đảo nhỏ.

Nguồn tham khảo:

https://dangcongsan.vn

https://www.tapchicongsan.org.vn
https://nld.com.vn

https://www.baogiaothong.vn

https://www.eaglesfwd.com