GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH “NHÀ VĂN NÓI VỀ NGHỀ”

     Thư viện trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt xin trân trọng giới thiệu tới Quý bạn đọc tác phẩm “Nhà văn nói về nghề” do NXB Văn học phát hành năm 2022, với độ dày 311 trang và in trên khổ giấy 13×20,5cm.

     Cuốn sách do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức thực hiện, tập hợp 36 bài viết của các thế hệ nhà văn nổi tiếng Việt Nam như: Tô Hoài, Nam Cao, Lan Khai, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư…, được xem là tư liệu quý cho những ai yêu văn học hoặc muốn dấn thân vào nghề viết.

C:\Users\USER\Downloads\f568e0dc31c48a9ad3d5.jpg

     So với những nghề khác, nghề văn là một nghề đặc biệt. Đặc biệt ở hoàn cảnh đến với văn chương, ở quan niệm về nghề, ở cách sử dụng phương tiện sản xuất, nguyên vật liệu, cách quan hệ, ứng xử với bạn đọc, cách nuôi dưỡng tình yêu, sức bền để gắn bó với con đường đã chọn,… của từng tác giả. Mỗi nhà văn có một cách suy nghiệm về công việc nên mỗi người là một trường hợp đơn nhất, thú vị. Sự trăm hoa đua nở trong chuyện nghề của văn nhân cũng là lẽ thường tình, dễ hiểu. Chính vì vậy, việc ra mắt cuốn sách Nhà văn nói về nghề như một duyên cớ để các nhà văn bộc bạch về nghề viết. Đa phần tác giả cho rằng chuyện viết lách không dừng lại ở những trải nghiệm hay chia sẻ cảm xúc, mà là sự thôi thúc từ bên trong, trải qua bao vui, buồn, hạnh phúc và đau khổ để cho ra đời tác phẩm ưng ý.

     Các bài viết trong cuốn “Nhà văn nói về nghề” không phân biệt trẻ già, cũ, mới mà chỉ chọn tác phẩm bảo chứng cho vị thế, sức bền của nhà văn. Trên tinh thần đó, bố cục tác phẩm cũng không theo quy luật thời gian, tuổi tác mà được sắp xếp theo tên tác giả như một cách tổng hòa các quan niệm, cách thế ứng xử với nghề, với chữ, với bạn đọc, với chính bản thân của từng văn sĩ.

     Nhà văn Trang Thế Hy gửi gắm trong bài viết Quan niệm về nghề: “Mỗi một thế hệ, cũng như từng nhà văn, giỏi lắm cũng chỉ làm tốt vài chức phận xã hội bằng một số tác phẩm nào đó mà thôi. Nhưng phàm đã là nhà văn thì đều phải chung vai gánh vác một sứ mệnh chung là góp sức làm giàu cho ngôn ngữ của dân tộc“.

     Với nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Người viết văn là một người rất nặng nợ với đời. Cuộc đời của anh ta là một cuộc đời không bao giờ được phép lăn lộn trong cuộc sống thực tế, không bao giờ ngừng nghiên cứu và quan sát xã hội“.

     Trong cuộc dấn mình với văn chương ấy, không nhà văn nào nói về mong cầu rằng bản thân mình sẽ là ai, được yêu mến và vinh danh như thế nào khi tác phẩm ra đời. Họ nói về tình yêu với chữ nghĩa, về sự dấn thân với văn nghiệp, về hạnh phúc đơn thuần mà to lớn như là phút giây được đặt dấu chấm hết cho một bản thảo. 

     Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhìn nhận rằng, có lẽ không nghề nào trên đời mà công cụ lao động lại đơn giản như nghề văn. Chỉ cần giấy bút, máy đánh chữ hoặc một chiếc máy tính, thế nhưng tất cả những gì họ viết là kết tinh bằng cả cuộc đời, vốn sống, tri giác, cảm xúc, kinh nghiệm…

     Nhà văn Ma Văn Kháng cho rằng nhà văn chính là “người học nghề mãi mãi“. Trên trường văn trận bút, nhà văn không phải vì một hai tác phẩm thành công, ghi dấu ấn mà có thể trở nên tự mãn. Ngược lại, họ càng cần phải không ngừng trau dồi vốn sống, đọc và học từ cuộc đời.

     Nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết, trong bài Đãi cát tìm vàng: “Với tôi, mạt vàng là thứ quý báu của đời sống. Nhà văn không sáng tạo nổi chi tiết mà phải biết nắm bắt chi tiết để dành sẵn đó, dùng cho từng tác phẩm. Muốn có nhiều chi tiết phải lăn lóc trong đời, cho đời“.

     Hơn 50 năm cầm bút, nhà văn Anh Đức vẫn thấy mình “tựa như bơi giữa biển lớn“, cứ bơi hoài giữa mênh mông mà không bao giờ cảm thấy hài lòng với sự thể hiện của mình. “Nhà văn phải không ngừng viết, đọc, học, không ngừng sống hết mình chỉ là để mài sắc cái tôi của mình” – lời nhà văn Bảo Ninh.

     Lời nhắn nhủ của cố nhà văn Lê Văn Thảo vẫn vẹn nguyên giá trị cho mọi thế hệ người cầm bút sau này: “Sống chân thật để viết chân thật, viết từ lòng mình, sâu thẳm trong trái tim mình, một chút “mạ vàng” sẽ lộ ra ngay. Văn chương rất khắc nghiệt, không chấp nhận sự làm dáng, phô trương… Có thể che giấu với đời, không thể che giấu chữ nghĩa” – trích bài viết Sống chân thật, viết chân thật.

     Nhà văn nói về nghề còn có bài viết của các nhà văn Sơn Nam, Tô Hoài, Phạm Hổ, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Ngọc Tư, Hồ Anh Thái… Ở góc độ nào, cũng đều là những trăn trở, tâm tình sâu lắng với văn chương, là những kết tinh chữ nghĩa, những bài học giá trị để lại cho người sau.

     “Ta vẫn thường gặp những trăn trở, triết lí về nghề của nhà văn gởi gắm trong sáng tác. Đó là lúc cái tôi cá nhân của họ khuất chìm dưới mặt nạ nhân vật, mặt nạ tác giả. Lối hư cấu giúp nghệ sĩ thoải mái thể hiện quan niệm văn chương. Tiểu luận phi hư cấu lại đòi hỏi tác giả trực tiếp bộc lộ bản thân qua những trải nghiệm sống và viết. Sự chân thành từ những đam si, những chuyện người thực việc thực, những vui buồn nghiệp chữ, ý thức cá nhân và trách nhiệm xã hội, lối trải tâm lên chữ là nét riêng thú vị của mỗi bài viết, tạo thành cái duyên, sức hấp dẫn của cuốn sách này.

     Chiếu văn thường không có chuyện trẻ già, cũ mới, chỉ có tác phẩm bảo chứng cho vị thế, sức bền của người trong cuộc. Việc chọn những gương mặt ít nhiều tên tuổi để chiết xuất tiếng văn của họ là một bảo chứng cho sự tin cậy của cuốn sách. Trên tinh thần đó, cách bố cục cũng không theo quy luật thời gian, tuổi tác. Các tác giả cố tình sắp xếp bài viết theo tên tác giả như một cách tổng hòa các quan niệm, cách thế ứng xử với nghề, với chữ, với bạn đọc, với chính bản thân của từng văn sĩ. Hi vọng điều này sẽ góp phần làm nổi bật những tương đồng, dị biệt, chung và riêng trong quan niệm nghệ thuật của văn học hiện đại Việt Nam. Sự thú vị của cuốn sách còn ở tính đa dạng trong thống nhất của nhiều quan điểm, nhiều thế hệ viết với những môi trường sống, làm việc, vạch xuất phát khi viết văn,… Ta không thấy ở đây cái lối “văn nhân tương khinh” thuở trước.

     Để thành người viết đúng nghĩa, nhà thơ, nhà văn phải không ngừng học hỏi, mải mê học hỏi từ tiền nhân, từ đồng nghiệp, từ cuộc sống, học trong nước và học bạn bè bốn phương. Cách hiểu, cách hành xử với nghề của nhà văn thể hiện rõ dấu ấn thời đại của một thế hệ biết mình biết người, nghiêm cẩn với nghề, luôn cởi mở, năng động để hoàn thiện, hội nhập. Đó là bản lĩnh của người có “màng lọc”, năng lực thẩm thấu những vang động của đời, có sự kiên trì cùng kĩ năng đãi chữ tìm văn. Đã qua rồi cái thời chỉ viết bằng bản năng và những cảm xúc nhất thời, với văn nhân hôm nay, để có chỗ đứng trong làng văn, ngoài thiên chất nghệ sĩ phải có tư duy khoa học, tính chuyên nghiệp cao để không lẩu hóa, hàng xén hóa tác phẩm của mình. Không sa đà vào lí luận hàn lâm, khô cứng, những đúc kết và gợi mở sống động của người trong cuộc sẽ dễ bám vào trí nhớ, thành kinh nghiệm quý cho người viết văn, học văn.

     Cái cách nhà văn chăm bón cho khu vườn sáng tạo của mình, sự tinh tế và dũng cảm nhận ra những thôi thúc từ bên trong, hiện hình nó thành câu chữ cũng nhiều hình nhiều vẻ. Đó là lối tương kính như tân đối với độc giả, là sự gắn bó, trân trọng tiếng Việt, là nỗ lực viết sao cho tiếng mẹ đẻ vừa gần gụi, dễ hiểu vừa mới mẻ, sang quý, là tâm niệm chiêm cảm hiện thực bằng cả tấm lòng, phải trải nghiệm đời sống thật nhiều để câu chữ lên men, là ý hướng dấn thân, bản lĩnh chấp nhận buồn vui, được mất của nghề,… Những trang trải chân thành này sẽ không lạc điệu, luôn cần thiết đối với người viết văn. Lắng nghe tiếng nói của người trong cuộc, ta hiểu vì sao họ có được năng lượng, động lực tinh thần để vượt qua nghịch cảnh, khước từ những mê dụ nhất thời để thủy chung với nghề, để giữ mãi trạng thái “lên đồng” khi dang díu chữ nghĩa, xác lập thế đứng của mình.

     Qua đây, những người nuôi mộng văn chương sẽ khắc chế được những ám ảnh về sự cô đơn, thăm thẳm, vô tăm tích của đường văn để mạnh chân tiếp bước. Bạn đọc cũng sẽ thấu cảm sự hữu hạn và vô cùng của nghiệp chữ, quyền năng và hạnh phúc của người sáng tạo, đồng cảm và sẻ chia với gánh nặng của phu chữ đích thực.” – PGS.TS Bùi Thanh Truyền nhận định. 

     Cuốn sách ra đời giữa lúc cả nước đang oằn mình chống đại dịch Covid-19 lại được sự cộng hưởng lớn từ người văn, từ dư luận qua việc tích cực góp bài, qua ý tưởng đặt tên sách, cách chung sức truyền thông và lan tỏa,… Những kinh nghiệm thiết thực, bổ ích đúc kết từ trải nghiệm sống và viết là sự kết nối, vẫy gọi nhiệt thành để những người yêu văn chương có thêm dũng khí, năng lượng mơ cùng chữ, bay cùng chữ, hạnh phúc cùng với chữ. Dĩ nhiên, từ học hỏi tri thức, kinh nghiệm của người trước đến tiêu hóa, vận dụng được nó là cả một quá trình. Giữa cuộc đời nhiều xáo động với bao nhiêu chênh chao hoang hoải, so ngại, nản lòng, ai cũng cần tin yêu và hi vọng. Với người viết, sách là bạn đường tin cậy; với người yêu văn, sách là cơ hội để có thêm kiến văn bổ ích về chuyện bếp núc của nghề văn.

     Cuốn sách không chỉ có giá trị với người cầm bút, mà còn có giá trị với những người đang nghiên cứu, giảng dạy văn học ở các trường phổ thông và đại học.

     Ký hiệu phân loại: 8(V)\NH100v

     Số ĐKCB: STKVH00010; STKVH00011; STKVH00012

     Sách hiện đang được phục vụ tại thư viện trường. Kính mời Quý thầy cô giáo và các em học sinh cùng đón đọc!

Thư viện trường THPT Chuyên Thăng Long _ Đà Lạt