GIỚI THIỆU SÁCH “NGƯỜI ĐẸP NGỦ MÊ” – KAWABATA YASUNARI

       Thư viện trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt xin trân trọng giới thiệu tới Quý bạn đọc tác phẩm: “Người đẹp ngủ mê” của nhà văn Nhật Kawabata Yasunari. Sách do dịch giả Quế Sơn chuyển ngữ, NXB Hội Nhà văn phối hợp với Phương Nam Book phát hành năm 2023, với độ dày 157 trang, được in trên khổ giấy 14 x 20,5 cm.

 

 

       Trong tất cả các tác phẩm của Kawabata Yasunari, Người đẹp ngủ mê” là tiểu thuyết đẫm cảm thức u huyền nhất. Tác phẩm được giới chuyên môn và nhiều độc giả đánh giá cao. Năm 1968, Người đẹp ngủ mê giúp Kawabata Yasunari trở thành tiểu thuyết gia người Nhật đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học. Ông là người đem lại vinh quang cho văn học Nhật Bản nói riêng, văn học châu Á nói chung. Đại diện Viện Hàn lâm Thụy Điển nhận xét: “Tác giả tôn vinh cái đẹp hư ảo, đồng thời khắc họa nỗi buồn hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và định mệnh con người”.

       Tác phẩm xoay quanh nhân vật ông lão Eguchi ghé thăm ngôi nhà “người đẹp ngủ mê” theo lời giới thiệu của một người bạn, nơi những trinh nữ xinh đẹp tuổi chưa đầy 20, được gây mê bằng thuốc ngủ liều cao đang say ngủ trong tình trạng mất tri giác. Eguchi lần lượt “gặp” những tấm thân ngà ngọc phô bày trước mắt mình vô ý thức vì đang say giấc nồng. Mỗi lần đến với ngôi nhà đặc biệt này, ông lại ngủ với những cô gái khác nhau. Các vị khách đến đây “giống như ngủ với một ông Bụt vô hình”. Lần cuối cùng ông nằm với hai cô gái như vậy. Ông gặp cái chết đến với một cô gái đang ngủ. Đó là ngôi nhà của những nhan sắc thanh xuân bí ẩn cũng như của những cái chết bí ẩn. Một người bạn già của Eguchi cũng đã chết ở đây vào một đêm đến chơi. Đó là trò chơi của thanh xuân, của cái già và cái chết. Đó là bi cảm của cái đẹp và cái chết.

       Cái đẹp được cảm nhận như một nhân vật chính xuyên suốt cuộc đời, văn phẩm của Y.Kawabata, trong đó “Người đẹp ngủ mê” được xem là một kiệt tác với đề tài sâu thẳm, ẩn mật nhất. Y.Kawabata đã thành công trong việc thể hiện cái đẹp bằng khả năng trần thuật. Dòng hồi tưởng của nhân vật cho phép bộc lộ vẻ đẹp vượt thoát khỏi rào cản không gian, thời gian. Vẻ đẹp hiện tại đồng hiện với vẻ đẹp của quá khứ, không gian của ngôi nhà khép kín bên bờ biển trở nên lung linh cùng vẻ đẹp của các cô gái ở những không gian khác rộng lớn hơn. Dù các cô gái trong hiện tại ngủ say đêm thứ hai, có lúc là những câu nói mê vô thức cũng đã cho thấy cái đẹp trong câm lặng có khả năng khơi gợi vẻ đẹp của quá khứ rất mãnh liệt, sống động; mỗi cô gái đều khơi gợi lên những ký ức sống mãi, vẻ đẹp bất biến không phai mờ theo thời gian.

       Để người đọc có thể hình dung được rõ nét những vẻ đẹp, sức hấp dẫn của các nhân vật nữ, Y.Kawabata đã rất dụng công trong việc mô tả hành động của ông già Eguchi theo cấp độ tăng tiến. Lúc đầu, Eguchi đến căn nhà của những người đẹp say ngủ vì sự tò mò theo lời giới thiệu của lão Kiga. Trong tâm thức của ông, đơn giản ngôi nhà đó là một nơi rất phù hợp với người già, không có chút hình dung, mường tượng nào về những cô gái nơi đây; thậm chí ngay cả khi chờ đợi bà chủ nhà đưa lên phòng gặp người đẹp lần đầu tiên, ông vẫn nghĩ có lẽ cô gái đang ở trạng thái mê giả tạo. Như vậy, trước khi gặp các cô gái say ngủ, Eguchi không có mấy hứng thú ngắm nhìn họ. Tuy nhiên, với vẻ đẹp của cô gái đêm thứ nhất đã thuyết phục ông hoàn toàn mặc dù ông không ngờ lại đến ngôi nhà người đẹp say ngủ lần thứ hai. Chưa đầy một tháng sau, Eguchi lại đến đó với niềm say đắm mơ hồ. Thời tiết vào độ cuối thu đã bắt đầu trở lạnh, 11 giờ đêm không phải là thời gian thuận lợi cho người già nhưng điều đó không cản trở được bước chân ông lui tới căn nhà đó. Lần thứ tư ông lui tới căn nhà vào một buổi mùa đông xám xịt, những hạt mưa đã biến thành những bông tuyết trắng đầu mùa, mềm dưới chân ông với lối đi phủ kín lá phong già, đá trơn, nguy hiểm cho sức khỏe của tuổi già. Sự xuất hiện của Eguchi lần thứ tư khiến cho người chủ quán hết sức kinh ngạc, nhưng ông đã có ngay được cảm giác ấm áp khi nằm cạnh cô gái thứ tư bởi hơi ấm người nàng như bao trùm ông hơn là đi sâu vào ông, khiến cho ông có cảm giác như được ôm ấp, vỗ về. Lần thứ năm, Eguchi đã bất chấp đêm lạnh, cái chết của lão Fukura xảy ra cách đây không xa để đến ngôi nhà này, ông thầm nghĩ: “Trong một đêm lạnh giá như thế này, trong hơi thở nồng ấm của một tấm thân trẻ trung, được chết đột ngột chẳng là điều may mắn cho người già ư”.

       Hành động đến ngôi nhà những người đẹp say ngủ của Eguchi từ lần thứ nhất đến lần thứ năm là một quá trình tăng tiến theo cấp độ thời gian, tâm lý nhân vật, từ không hào hứng quay lại ở lần đến thứ nhất đến nửa tháng, rút lại còn tám ngày cho những lần đến tiếp theo. Mức độ tăng tiến theo trở ngại của thời tiết từ mùa thu đến mùa đông, kể cả khi có tuyết rơi trong đêm lạnh phủ kín lối đi với nhiều khó khăn, nguy hiểm cho sức khỏe của người già Eguchi vẫn đến, gần như bất chấp cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Kết cấu thời gian với chuỗi các sự kiện được thống kê là dụng ý nghệ thuật của Y.Kawabata khi mô tả sức vẫy gọi mãnh liệt của cái đẹp. Hành động tới ngôi nhà của Eguchi không ngoài mục đích được tiếp cận, cảm nhận, hồi tưởng về cái đẹp, vẻ đẹp hiện tại lồng ghép với hồi ức quá khứ. Đó là những hồi tưởng, những hoài niệm khắc khoải khác nhau của Eguchi về những người đàn bà đã đi qua đời ông. Một ẩn dụ rõ ràng về sự tiếc nuối những văn hóa, những vẻ đẹp xưa kia ở Nhật Bản chỉ có thể gợi nhớ lại qua những khung cảnh, những hình ảnh tương tự, gần giống như thế.

       Cái đẹp luôn hiện hữu trong các sáng tác của Y.Kawabata, đó là cái đẹp hình bóng, lặng lẽ, u buồn. Những cô gái trong Người đẹp ngủ mê dù đang say ngủ nhưng trong tư thế ngủ ấy, vẻ đẹp vẫn toát lên sống động. Dù chìm sâu trong ký ức lặng câm của không gian, thời gian nhưng tâm hồn họ vẫn gửi lại nỗi da diết, u buồn bởi nó là nơi sâu thẳm cho mọi vẻ đẹp ký thác. Bản chất của cái đẹp không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp trên cơ thể của các cô gái mà xa hơn đó là vẻ đẹp đầy sức sống của tuổi trẻ. Bên cạnh sự lão suy của các ông già thì vẻ đẹp của các cô gái không ngừng lớn lên, đẹp rực rỡ.

       Là người nghệ sĩ suốt một đời lang thang để đi tìm kiếm cái đẹp, Y.Kawabata là hiện tượng kỳ diệu nhất của văn học Nhật Bản thế kỷ XX. Ông cất lên những bài ca của nỗi lòng đầy nuối tiếc cho một vẻ đẹp Nhật Bản, luôn dành hết tâm lực của mình vào tác phẩm để cái đẹp trở nên bất tử, đáng tôn thờ nhất. Người đẹp ngủ mê là một tác phẩm văn chương hiện đại, không gian của tác phẩm không giàu chất thơ, kết cấu truyện đơn giản nhưng sức chứa đựng trong nó thật lớn lao. Tác phẩm mang thông điệp của nhà văn Y.Kawabata là tôi thuộc về vẻ đẹp truyền thống Nhật Bản, như sự thông nối giữa hiện đại với truyền thống, duy trì đặc tính duy cảm, duy mỹ của văn học, của người Nhật Bản xưa nay.

       Tiểu thuyết “Người đẹp ngủ mê” đem lại những cảm xúc thẩm mỹ độc đáo, đồng thời để lại nhiều khoảng trống, nhiều băn khoăn để độc giả tự khám phá bằng trình độ thưởng thức của mình.

       “Người đẹp ngủ mê” chứa đựng nhiều đối cực gồm: tuổi già – tuổi trẻ, cái đẹp – cái chết, tội lỗi – trong sạch, tha hoá – nguyên sơ… Vì vậy, tác giả Kawabata Yasunari dẫn dắt độc giả qua tầng tầng lớp lớp ngữ nghĩa vận động không ngừng, tạo nên sự khác biệt trong cảm nhận khi đọc tác phẩm.

 

Ký hiệu xếp giá: 8(N414)3\ NG558đ

Số ĐKCB: STKVH00043; STKVH00044; STKVH00045

 

Tác phẩm hiện đang được phục vụ tại thư viện trường. Kính mời Quý Thầy cô và các em cùng đón đọc!

 

Vũ Thanh Thủy_Thư viện trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt.