“THƯƠNG”

THƯƠNG

Tôi nhớ những ngày thu vàng

Những tà áo trắng dịu dàng trong sương

Những ngày cắp sách tới trường

Đâu đâu bóng dáng người thương tôi tìm

     Thương lắm những chuyến đò tri thức ngàn đời, càng thương hơn những người chèo lái chưa từng buông lấy một lời thở than. Tôi học ở ngôi trường này hơn hai năm rồi, cũng đã vài mùa thu trôi qua chứ ít gì. Hai năm không ngắn, nhưng cũng chẳng thể gọi là dài, nó mang lại cho tôi biết bao nhiêu là cảm xúc. Nếu đặt chúng lên một bàn cân mà xem xét, có lẽ cán cân của niềm vui trội hơn cả. Tôi vui vì được gặp chúng bạn cùng là những hành khách ngồi trên một chuyến đò tri thức, vui vì được con đò ấy đưa đến những bến bờ tri thức mới lạ mà trước giờ tôi chưa từng nghĩ mình có cơ hội được chạm đến, vui vì được chỉ bảo bởi những người lái đò tận tình nhất – tận tình đến mức làm tôi thương, và hơn ai hết chính là cô Nguyễn Đức Hạnh – bóng dáng người thương mà tôi vẫn hay tìm mỗi khi cắp sách đến trường.

(Cô Đức Hạnh bên cạnh học sinh đội tuyển dự thi HSG quốc gia môn Ngữ văn)

     Trong suốt quãng ngồi trên ghế nhà trường, bản thân tôi có thể nói là may mắn khi được rất nhiều “người lái đò tri thức” yêu thương và quan tâm đến, tôi luôn biết ơn và coi trọng những điều ấy, nhưng để mà nói… “thương”… thì chỉ có một. “Người thương” – hai chữ thôi nhưng khó diễn tả lắm, hai chữ mà tôi đã chọn ra để nói về người giáo viên tuyệt vời nhất mà tôi từng gặp. Tuyệt vời ư? Vâng! Chẳng nói quá đâu, nhưng tôi cũng đã phải mất hơn một năm đầu để có thể khẳng định được điều đó.

     Khi còn là một cô học sinh chân ráo chân ướt bước vào ngôi trường THPT Chuyên Thăng long với hàng loạt sự bỡ ngỡ và ngưỡng mộ, lòng tôi vẫn còn day dứt những thứ đã cũ, tôi lưu luyến chúng bạn ngày nào cũng đùa cợt, rủ nhau rong chơi nơi mái trường xưa cũ, và day dứt hơn cả là người cô mà tôi đã dành một vị trí nhất định của tim mình cho cô ấy, bởi cô chính là người trao cho tôi thứ hành trang đầu tiên để tập đi và rồi vững bước trên con đường của mình. Vào thời điểm năm lớp 10 với đầy sự mới lạ, trường tôi có tổ chức cuộc thi “Sáng tác chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11”, khi những đứa bạn cùng lớp có những trang văn viết về cô chủ nhiệm của tôi – cô Đức Hạnh đấy, lập tức một dòng suy nghĩ vụt qua trong đầu tôi rằng: Mới ngắn ngủi vài tháng tiếp xúc thôi mà chúng nó đã có những tình cảm sâu đậm với cô vậy rồi ư? Liệu thứ tình cảm được viết vào tờ giấy được chúng nó hết mực ca ngợi có phải là tình cảm thật không hay chỉ cố tô điểm cho vẻ bên ngoài? Song, một dòng suy nghĩ diễn ra song song vào ngay lúc ấy: liệu mình có quá ích kỷ khi đã nghĩ như thế hay không? Có lẽ cảm xúc của mỗi người là khác nhau, và cũng có lẽ tôi đã có phần sai khi suy nghĩ về họ như thế. Nhưng đối với tôi, một thời gian ngắn ngủi như thế thì chưa đủ để vẽ lên một thứ tình cảm đẹp và sâu đậm như vậy. Cho nên lúc đó tôi chọn viết về một người cô khác, người cô cũ của mình, người mà tôi cho rằng tôi đã tiếp xúc đủ lâu để có thể bày tỏ những tình cảm chân thật nhất.

     Thú thật, đã có lần tôi tự đấu tranh với những suy nghĩ, những câu hỏi mà mình đặt ra bởi vì trải qua một học kỳ đầu rồi mà tình cảm của tôi dành cho cô Đức Hạnh vẫn chỉ như bao người giáo viên khác, trong khi lũ bạn lại bày tỏ tình cảm với cô rất nhiều. Cũng đã có lần tôi tự hỏi vì sao tôi không thể yêu cô như chúng nó, tôi tưởng chừng như giữa tôi và cô vẫn còn một bức tường vô hình nào đó thật vững chãi, nó ngăn cách tôi khiến tôi không thể thoải mái bày tỏ tình của mình. Tôi cũng đã từng cảm xúc của chính mình, không lẽ môi trường này đã khiến tôi từ một cô học trò tình cảm trở thành một hòn đá thô cứng đến mức không thể đem lòng đi thương thêm một người nữa hay sao? Liệu tôi có vấn đề gì không trong khi sự tận tình mà cô dành cho chúng tôi đều khiến cho bất kể ai cũng thấy cảm động.

     Mãi đến sau này, khi gắn bó với cô gần một năm học, tôi mới có thể cảm nhận được điều đó. Rõ nhất là khi một sóng gió ập đến với tôi, khủng hoảng tới mức tôi nghĩ đống đổ nát mà nó để lại sẽ làm tôi chẳng thể thoát ra được nữa. Khoảng thời gian ấy, dường như tôi hiểu được sự lo lắng của một người mẹ dành cho đứa con thơ của mình là như thế nào, cô Đức Hạnh chính là người mẹ ấy. Chẳng nói gì nhiều, cũng chẳng bày tỏ ra bên ngoài bao nhiêu, nhưng tôi nhận thấy được con tim mình rung lên những thứ tình cảm rất lạ, cũng chẳng biết là tôi đã cảm nhận bằng cách nào, bằng những cuộc điện thoại ngắn ngủi, hay cũng có thể bằng những lời căn dặn từ tận đáy lòng của một người giáo viên. Đến đây tôi lại phải đấu tranh với suy nghĩ của mình một lần nữa: Không lẽ khi gặp khó khăn rồi, mình mới biết thương cô sao? Tôi cũng chẳng rõ, nhưng chính cái sóng gió, khó khăn ấy đã khiến tôi nghiệm lại cả một hành trình dài cô đã đồng hành cùng mình.

     Tôi không phải là một người giỏi bày tỏ, cũng chẳng giỏi ăn nói lắm. Cô Đức Hạnh cũng vậy đấy, cô làm và chẳng nói ai, chính vì thế cũng chẳng ai biết rằng cô đã thương một người theo cách nào. Nhưng khi trải qua một vài chuyện không hay, ngồi ngẫm lại hồi lâu tôi mới giật mình nhận ra rằng không phải là cô không để tâm, cô có để ý, quan tâm và thương chúng tôi theo một cách rất riêng. Người chỉ làm mà không nói, thậm chí có nói thì cũng chỉ là những lời nói hằng ngày hết sức bình thường chứ chẳng phải là câu từ hoa mỹ hay đường mật nào cả. Tuy bình thường thế thôi, nhưng con người ấy chở theo cả một tấm lòng yêu thương vô hình mà cô dành cho các học trò nhỏ. Thì ra tình cảm cô dành cho chúng tôi trước giờ lớn lắm, vậy mà mãi đến khi có một điều gì đó tác động, tôi mới nhìn nhận lại mọi thứ và lúc này đây, tôi thực sự đã thương cô rồi.

     Sóng gió lần ấy quả thật đã để lại cho tôi những dấu hằn khó thể xóa được, nhưng những lời động viên của cô là một ánh sáng rạng ngời nhất soi vào khoảng trời tăm tối của tôi lúc bấy giờ, sự yêu thương, lo lắng cô dành cho tôi cũng đã che đi những vết hằn ấy tự lúc nào không hay. Chính cô là động lực lớn nhất để tôi chạm đến với giấc mơ “văn chương” của mình. Đúng là chẳng có cơn bão nào đi qua mà không để lại hậu quả xấu, nhưng lòng tôi vẫn luôn biết ơn cơn bão lần đó, nó cho tôi nhận ra được tấm lòng của một người cô đáng kính, người mà tôi phải dùng đến hai chữ “tuyệt vời” để miêu tả, nó cũng đã cuốn đến tôi những lời căn dặn của cô mà tôi tự nhủ rằng mình sẽ khắc cốt ghi tâm cả một đời. Cô chưa bao giờ nói với tôi câu nào có chữ “thương” trong đấy, nhưng tất thảy những điều cô nói, cô làm đều là thương!

     “Thương” – một chữ ngắn ngủi thôi nhưng phải cần một thời gian rất lâu để con người có thể thốt lên được. Và tôi biết mình đã thương cô thật nhiều kể từ khi lòng tôi rung lên một cảm giác sung sướng, mãn nguyện khi đã thực hiện được lời hứa quan trọng với cô, và có lẽ là với tôi nữa. Tôi cảm nhận được tình thương của cô qua những lần lo lắng, chăm nom từng câu chữ trên bài làm của tôi, hay sự vui vẻ, hài lòng, hãnh diện khi tôi đạt được một thành tựu nào đó trên bước đường của mình. Những câu nhắc nhở học bài, những lần càu nhàu, căn dặn tôi phải siêng năng hơn, những ly nước, chiếc bánh, viên kẹo chúng tôi nhận từ cô cũng chính là nhận sự yêu thương từ người. Tôi biết cô có rất nhiều mối bận tâm, nhiều điều cần cô lo lắng, nhưng giữa những thứ ấy, chúng tôi vẫn là những đứa con được cô chăm lo hơn thảy. Cũng vì thế, cô đã trở thành động lực lớn mạnh nhất của tôi từ lúc nào không hay. Tấm lòng ấy đâu chỉ đơn giản là của người giáo viên, mà hơn hết chính là tấm lòng của một người mẹ hiền.

Một đời tận tụy vô biên

Công ơn nay giữ, mai nguyên hình hài

Một đời kiến tạo nhân tài

Mai sau thương nhớ, Sân Lai con về.

     Đến giờ thì tôi đã có thêm một người mẹ vô cùng tuyệt vời, người ấy tôi giữ mãi ở trong tim. Chẳng biết phải mất thêm bao nhiêu lâu nữa, tôi mới hữu duyên gặp gỡ và được đồng hành với một người thứ hai như vậy. Nếu sự đồng hành ấy được xem như một vòng quay may mắn thì tôi sẽ chẳng cam tâm chỉ quay nó đúng một lần. Và nếu trên đời này thực sự tồn tại những cơ hội nhiệm mầu, tôi cũng sẽ hối lộ với ông trời để được đồng hành và được bên cạnh yêu thương cô lâu nhất có thể, để chứng minh cho cô thấy rằng đứa học trò mà cô hết lòng dạy bảo ấy, rồi một ngày sẽ làm cô tự hào. Thương cô!

(Đỗ Như Hoàng – Lớp: 12 Văn –Trường: THPT Chuyên Thăng Long Đà Lạt)