Tình hình giảng dạy môn Tiếng Pháp tại trường THPT Chuyên Thăng Long – Đà Lạt

3625

Nhằm tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho các lớp tiếng Pháp và thúc đẩy việc dạy học tiếng Pháp ở cấp 3 tại Đà Lạt, Sở Giáo dục-Đào tạo Lâm Đồng đã có quyết định chuyển các lớp tiếng Pháp từ trường THPT Bùi Thị Xuân sang học tại trường THPT chuyên Thăng Long – Đà Lạt từ năm học 2012-2013.

Hiện nay, chương trình giảng dạy tiếng Pháp tại trường THPT chuyên Thăng Long đang được duy trì và phát triển khá thuận lợi.

1. Thuận lợi:

– Chương trình giảng dạy tiếng Pháp được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, của Sở Giáo dục-Đào tạo Lâm Đồng và ban giám hiệu trường THPT chuyên Thăng Long. Có đủ 3 phòng học cho 3 lớp tiếng Pháp với trang bị máy chiếu, máy nghe đĩa CD; có phòng bộ môn tiếng Pháp với đầy đủ sách báo, trang thiết bị dạy học.

            – Học sinh song ngữ tiếng Pháp ở cấp 3 được tuyển chọn qua việc xét hồ sơ và qua kỳ thi chuyển cấp do Bộ giáo dục tổ chức. Học sinh phải có học lực và hạnh kiểm của cả 4 năm cấp 2 đạt từ loại Khá trở lên, xếp loại tốt nghiệp THCS loại Khá, có trung bình các môn thi tiếng Pháp từ 6 trở lên thì mới được tuyển vào lớp 10 song ngữ tiếng Pháp.

            – Tại trường THPT chuyên Thăng Long-Đà Lạt , ngoài các tiết học tiếng Pháp chính khóa, nhà trường còn tăng cường thêm các tiết bồi dưỡng môn chuyên vào buổi chiều. Học sinh tích cực tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh giỏi cấp khu vực Olympic 30/4, học sinh giỏi cấp Quốc gia và đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Cụ thể: trong năm học 2012-2013, lớp 10 đầu tiên của trường đã đạt 2 huy chương bạc, 1 huy chương đồng trong kỳ thi Olympic 30/4 tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong năm học 2013-2014, 2 lớp 11 và 12 đầu tiên của trường cũng đã dành được 23 giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh gồm 3 giải nhất, 7 giải nhì, 6 giải ba, 7 giải khuyến khích; các em cũng đã nỗ lực cố gắng trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và dành được 2 giải ba, 1 giải khuyến khích.

– Đề kiểm tra học kỳ 1 và học kỳ 2 hàng năm của các lớp tiếng Pháp đều là đề chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn nên học sinh theo kịp mặt bằng chung của cả nước.

– Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm của học sinh học tiếng Pháp là 100%.

– Sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh Pháp văn có thể theo học các trường đại học Pháp ngữ tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc tại Hà Nội trong 03 năm để lấy bằng Cử nhân do nước Pháp cấp, nhiều học sinh đã và đang du học tại Pháp.

– Bộ Giáo dục-Đào tạo đã có công văn số 703/BGDĐT-GDTrH ngày 19/02/2014 cho phép Sở GD-ĐT Lâm Đồng chuyển đổi chương trình song ngữ tiếng Pháp (dạy học các môn tiếng Pháp, Toán bằng tiếng Pháp và tiếng Anh) sang chương trình tăng cường tiếng Pháp (chỉ học môn tiếng Pháp theo chương trình song ngữ); vì phần lớn các em học sinh theo học chương trình song ngữ tiếng Pháp có kết quả học tập môn Toán bằng tiếng Pháp không tốt, ảnh hưởng đến kết quả học tập chung nên các em có nguyện vọng chỉ theo học môn tiếng Pháp, không học môn Toán bằng tiếng Pháp nữa. Khi theo học chương trình tăng cường tiếng Pháp, học sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT tiếng Pháp do Bộ GD-ĐT tổ chức với môn thi Viết tiếng Pháp vào cuối năm lớp 11 và thi Nói tiếng Pháp vào tháng 3 của lớp 12. Đối với những học sinh có nguyện vọng du học tại các nước cộng đồng Pháp ngữ, giáo viên tiếng Pháp sẽ định hướng cho các em thi thêm chứng chỉ DELF B2 để các em có đủ điều kiện đi du học. Một lý do khác của chuyển đổi chương trình song ngữ tiếng Pháp sang chương trình tăng cường tiếng Pháp là trong những năm qua, các em có chứng chỉ tốt nghiệp THPT tiếng Pháp do Đại sứ quán Pháp cấp khi làm hồ sơ du học vẫn phải tham gia thi lấy chứng chỉ DELF B2.

2. Khó khăn:

            – Ngoài chương trình phổ thông tiếng Việt, học sinh học tiếng Pháp phải học thêm 07 tiết tiếng Pháp chính khóa và 02 tiết Toán bằng tiếng Pháp mỗi tuần, chưa kể các tiết bồi dưỡng chuyên; do đó các em phải đến trường thêm hầu hết các buổi chiều trong tuần.

– Chương trình đổi mới đến nay vẫn chưa có sách giáo khoa chính thức mà chỉ dạy theo khung chương trình và các chủ đề, chủ điểm, các nguồn tài liệu từ Internet, sách báo tham khảo.

– Nhiều học sinh sau khi học xong lớp 9 tiếng Pháp đã dự thi đại trà để không học chương trình tiếng Pháp nữa, trong số đó có rất nhiều học sinh khá giỏi. Việc này dẫn đến số lượng và chất lượng học sinh tiếng Pháp ngày càng hạn chế, đặc biệt là nguồn học sinh để chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi Quốc gia.

–  Chương trình song ngữ hiện nay thực hiện theo quyết định số 4113/QĐ-BGDĐT ngày 16/06/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo khá nặng đối với nhiều em học sinh; các lớp tiếng Pháp phải theo học 07 tiết tiếng Pháp, 02 tiết Toán bằng tiếng Pháp và 03 tiết tiếng Anh mỗi tuần. Điểm trung bình chung môn Pháp song ngữ được tính như sau:

TBM Pháp = ((TBM tiếng Pháp x2) + TBM Toán Pháp + TBM tiếng Anh) / 4

Trong thời gian vừa qua, điểm môn tiếng Pháp chưa được tính theo hệ số chuyên vì điểm này là trung bình cộng môn tiếng Pháp, Toán Pháp và Anh văn nên không thể xét điểm chuẩn môn chuyên là 6,5 như các môn khác. Do đó chưa thể đánh giá học sinh theo thông tư 58/2011/BGDĐT đối với môn chuyên. Nếu thực hiện theo chương trình tăng cường tiếng Pháp mà Bộ Giáo dục vừa cho phép, các em học sinh chỉ phải  học 07 tiết tiếng Pháp mỗi tuần, không còn học 02 tiết Toán bằng tiếng Pháp và không tính điểm tiếng Anh vào trung bình môn Pháp nữa, do đó việc tính điểm trung bình tiếng Pháp là môn chuyên sẽ được thuận lợi hơn tại trường THPT chuyên Thăng Long.  

3. Một số định hướng cho các lớp tiếng Pháp tại trường THPT chuyên Thăng Long:

            – Các cấp lãnh đạo đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm tiếp tục duy trì và phát triển các lớp Pháp văn tại Đà Lạt. Mỗi năm, số học sinh đăng ký đầu vào lớp 1 tiếng Pháp tại trường tiểu học Lê Quý Đôn đều ổn định, sĩ số học sinh học tiếng Pháp ở 2 trường THCS Nguyễn Du và THPT chuyên Thăng Long vẫn tiếp tục được ổn định trong những năm qua.

            – Tiếp tục duy trì quy chế tuyển sinh chuyên (kết quả học tập và hạnh kiểm của 4 năm cấp 2 đạt từ loại Khá trở lên) cho các học sinh theo học tiếng Pháp.

            – Các giáo viên tiếng Pháp sẽ luôn cố gắng để học sinh tiếng Pháp tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp Tỉnh, cấp Quốc gia đạt kết quả tốt hơn.

            – Sẽ tiếp tục đề nghị  Bộ Giáo dục-Đào tạo nhanh chóng hoàn thành bộ sách giáo khoa chương trình song ngữ tiếng Pháp để chính thức đưa vào giảng dạy.

Trên đây là báo cáo tình hình giảng dạy môn tiếng Pháp tại trường THPT chuyên Thăng Long trong  năm học qua. Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ quý thầy cô, quý vị phụ huynh và các em học sinh trong nhà trường.

Trân trọng cảm ơn và kính chào!

                   TPCM

           Bùi Nguyễn Hiệp